moitruongplus Đề xuất chủ trương "hợp thức hoá sai phạm” công trình do mình ra quyết định xử phạt trước đó, PCT UBND TP Vinh còn cấp "giấy phép con” trong việc xử lý chủ đầu tư, ngoài ra vị này còn ký văn bản tạo điều kiện cho dự án đã bị xử phạt.
Ra quyết định xử phạt…
Vào tháng 8/2022, Môi trường và Đô thị Việt Nam có bài viết: "Nghệ An: Ngang nhiên gộp thửa, xây dựng toà nhà đồ sộ trái Quy hoạch tại phường Lê Lợi”. Nội dung bài viết phản ánh, ông Lê Thái Quang Hào (người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc Công ty CP 456) và vợ là bà Trần Thị P.L (cùng ngụ phường Quang Trung, TP Vinh) mua 03 lô đất ở tại Dự án Khu văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở liền kề tại phường Lê Lợi.
Theo Quy hoạch (QH) được duyệt và hồ sơ Thiết kế cơ sở (TKCS) thì các lô đất N- 83, N- 84 được duyệt là mẫu nhà 2B, có các thông số: Cao 03 tầng+tầng mái, mật độ xây dựng 85,7%; Lô đất N-85 được duyệt là mẫu 2A, có thông số: Cao 3 tầng+tầng mái, mật độ xây dựng 88,4%.
Từ tháng 8/2022 đến 9/2023, chỉ riêng công trình vi phạm này, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có 03 bài viết phản ánh, nhưng UBND TP Vinh, mà người trực tiếp xử lý là ông Lê Sỹ Chiến đã im lặng một cách khó hiểu (?!).
Tuy nhiên, bất chấp QH, hồ sơ TKCS đã được các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phê duyệt trước đó, ông Lê Thái Quang Hào đã ngang nhiên gộp 03 lô đất này rồi ngang nhiên xây dựng một toà nhà đồ sộ 04 tầng với diện tích mặt sàn lên tới cả ngàn m2.
Sau khi báo chí, người dân phản ánh, các cơ quan chức năng TP Vinh mới đến lập biên bản, đề xuất xử phạt. Ngày 12/8/2022, ông Lê Sỹ Chiến, Phó chủ tịch UBND TP Vinh đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 380/QĐ-XPHC đối với ông Lê Thái Quang Hào.
Theo đó, ông Hào đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Tổ chức thi công xây dựng công trình tại Khu nhà ở liền kề đường Nguyễn Đình Chiểu (các thửa đất số 234, 236, 238 tờ bản đồ số 26) khối 16, phường Lê Lợi, TP Vinh không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định trong trường hợp được miễn GPXD.
Hành vi của ông Lê Thái Quang Hào đã vi phạm Khoản 8, Điều 16, Nghị định Số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Ông Hào bị áp dụng hình thức xử phạt chính với mức tiền phạt là 45.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Ông Lê Thái Quang Hào phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thiết kế xây dựng. Hết thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, ông Lê Thái Quang Hào không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt thiết kế xây dựng điều chỉnh đã được thẩm định thì bị áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 30 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này.
Ông Lê Sỹ Chiến –Phó Chủ tịch UBND TP Vinh là người ban hành Quyết định xử phạt số 380 ngày 12/08/2022, nhưng hơn 01 năm sau, chính ông lại đề xuất "hợp thức hoá sai phạm” dù thời gian 30 ngày khắc phục hậu quả đã hết từ lâu.
Tuy nhiên hơn 01 năm trôi qua, ông Lê Thái Quang Hào đã không xin điều chỉnh được hồ sơ TKCS và cũng không khắc phục hậu quả trong sự im lặng "khó hiểu” của UBND TP Vinh. Đáng lẽ, trong thời gian hơn 01 năm, nếu ông Hào không tự giác khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình vi phạm thì UBND TP Vinh, mà người trực tiếp ký quyết định xử phạt, ông Chiến phải chỉ đạo lập hồ sơ, phương án rồi ra quyết định cưỡng chế, thì vị Phó Chủ tịch UBND TP Vinh lại tìm cách "im lặng”, không có một động thái nào trong việc bắt buộc người vi phạm chấp hành pháp luật.
Trong khi, trước đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành Quy chế quản lý Trật tự xây dựng (ban hành kèm theo QĐ số 34/2020 ngày 17/12/2020).
Theo khoản 1, Điều 3 ghi rõ: Nguyên tắc chung trong công tác quản lý TTXD là: "Tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Hành vi vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh. Hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định pháp luật”.
Ngoài ra, tại khoản 3, Điều 12 Quy chế ghi rõ: "Chịu trách nhiệm về những sai phạm trong quản lý TTXD trên địa bàn thuộc thẩm quyền được giao. Tuỳ theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.
Mặc dù Quy chế đã được UBND tỉnh Nghệ An ban hành là thế, nhưng hình như chỉ áp dụng cho các huyện thị khác chứ không phải TP Vinh?! Từ tháng 8/2022 đến 9/2023, chỉ riêng công trình vi phạm này, Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có 03 bài viết phản ánh, nhưng UBND TP Vinh. Phải chăng Lê Thái Quang Hào (đại diện pháp luật kiêm giám đốc Công ty CP 456) là một doanh nhân lớn nên UBND TP Vinh "ưu ái", không xử lý?! Trong khi đó, chỉ một sai phạm nhỏ của người dân, sẽ được xử lý một cách triệt để.
Đề xuất "Hợp thức hóa sai phạm"?!
Chưa dừng lại ở đó, sau hơn 01 năm "im lặng” cho công trình vi phạm này tồn tại, thì bỗng nhiên vào ngày 03/10/2023, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Lê Sỹ Chiến có văn bản số 5478/UBND-QLĐT gửi Sở Xây dựng với đánh giá, đề xuất: "Xét thấy nội dung điều chỉnh cục bộ 03 lô đất thành 01 lô đất và điều chỉnh thiết kế cơ sở của ông Lê Thái Quang Hào, bà Trần Thị P.L không gây ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc khu vực và đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng do Bộ xây dựng ban hành tại Thông tư số 01/2021/TT-BXD ngày 19/05/2021 và Quyết định số 28/2021/QĐ-UBND ngày 17/09/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định về cấp lần đầu, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An; đồng thời nội dung đề xuất của Chủ đầu tư cũng phù hợp với đề nghị tại Văn bản số 2560/SXD-ĐKT3 ngày 26/7/2023 của Đoàn liên ngành được UBND tỉnh Nghệ An thành lập tại QĐ số 3088…
Vì vậy, UBND thành phố Vinh kính đề nghị Sở Xây dựng xem xét, cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với 03 thửa đất nêu trên, sau đó điều chỉnh thiết kế cơ sở. Các nội dung đã xây dựng nếu không phù hợp với điều chỉnh Quy hoạch và điều chỉnh Thiết kế cơ sở được chấp thuận thì chủ đầu tư phải thực hiến tháo dỡ theo quy định” – Hết trích.
Nếu cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho phép ông Lê Thái Quang Hào hợp 03 thửa đất, rồi cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ, sau đó điều chỉnh thiết kế cơ sở mà không khắc phục hậu quả triệt để thì sẽ để lại tiền lệ hết sức xấu.
Như vậy, sau hơn 01 năm ban hành Quyết định xử phạt, chủ đầu tư không tự giác khắc phục hậu quả, không điều chỉnh được Quy hoạch, hồ sơ Thiết kế cơ sở (theo quy định là 30 ngày) nhưng vị Phó Chủ tịch UBND TP Vinh đã "im lặng” không lập hồ sơ, ban hành quyết định cưỡng chế. Bỗng nhiên 01 ngày cũng chính vị Phó Chủ tịch UBND TP Vinh này lại "kính đề nghị Sở Xây dựng xem xét, cho phép điều chỉnh quy hoạch cục bộ đối với 03 thửa đất nêu trên, sau đó điều chỉnh thiết kế cơ sở”(?!). Đây là 01 văn bản đề xuất chủ trương không khác gì "hợp thức hoá sai phạm” cho một công trình vi phạm TTXD nghiêm trọng, đi ngược lại hoàn toàn Quy chế quản lý TTXD mà UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành trước đó. Ngoài ra, việc làm của ông Chiến cũng không phù hợp Luật Xây dựng, Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Việc làm của vị lãnh đạo thành phố này có thể coi là "ưu ái”, tạo điều kiện cho chính công trình vi phạm mà mình đã ban hành Quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục hậu quả triệt để trước đó. Vì sao ông Lê Sỹ Chiến lại làm như vậy thì có lẽ chỉ mình vị Phó Chủ tịch TP Vinh mới biết!
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.