moitruongplus Một công trình trọng điểm thi công chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên (TP Hà Nội), với tổng số vốn hơn 300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưng lại không có phương án xử lý chất thải, thi công gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường
Chất thải tấp đầy đường, trước nhà dân, gây cản trở việc đi lại sinh hoạt của người dân và mất mỹ quan đô thị tại Dự án thi công xây dựng đường hành lang chân đê và chỉnh trang mái đê tuyến đê hữu Đuống, đoạn phường Phúc Lợi, quận Long Biên, UBND TP Hà Nội.
Tại Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 05/01/2022 của UBND TP Hà Nội về việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều dự án Thi công xây dựng đường hành lang chân đê và chỉnh trang mái đê tuyến đê hữu Đuống, đoạn từ cầu Đuống đến cầu Phù Đổng, quận Long Biên, UBND TP Hà Nội phê duyệt đơn vị thực hiện là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Long Biên. Thời gian thi công từ ngày 5/1/2022, hoàn thành trước ngày 30/4/2022.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận Long Biên tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật hiện hành; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông phù hợp; cắm biển báo, đèn tín hiệu đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông qua khu vực; tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn công trình đê điều, không làm ảnh hưởng đến các công trình liên quan trong khu vực; tổ chức việc quản lý, duy tu bảo dưỡng công trình đảm bảo an toàn đê điều và công trình trong quá trình khai thác, sử dụng.
Tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường; không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng nguồn nước; tuyệt đối không đổ phế thải, trạc thải ra bãi sông, lòng sông; sau khi hoàn thành công trình phải dọn sạch mặt bằng, thanh thải toàn bộ vật tư, vật liệu, phế thải trong khu vực thi công đổ đúng nơi quy định; tổ chức quản lý phương tiện vận tải đi trên đê trong quá trình thi công đảm bảo tải trọng cho phép đi trên đê theo đúng quy định của pháp luật về đê điều; chịu trách nhiệm sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của đê do việc thi công, sử dụng công trình gây ra.
Tại Quyết định số 4079/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 về việc gia hạn thời gian cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều: Thi công xây dựng đường hành lang chân đê và chỉnh trang mái đê tuyến đê hữu Đuống, đoạn từ cầu Đuống đến cầu Phù Đồng, quận Long Biên, thành phố Hà Nội (sau đây viết tắt là Dự án). UBND TP Hà Nội đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho công trình và đoạn đê trong mùa mưa lũ năm 2023; xây dựng và trình phê duyệt phương án phòng chống thiên tai theo quy định; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện phương án theo phương châm "4 tại chỗ”.
Đồng thời, giao UBND quận Long Biên chỉ đạo, kiểm tra Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên tổ chức thực hiện phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho công trình và đoạn đê trong mùa mưa lũ năm 2023.
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, từ khi Dự án được triển khai, người dân phường Phúc Lợi (quận Long Biên) rất bức xúc về tình trạng thi công Dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống người dân.
Cô Nguyễn Thị Trà – Tổ 1, phường Phúc Lợi bức xúc: Nhà tôi ở chỗ trũng nhất của công trình, nên mỗi lần mưa, nước chảy từ mái đê xuống kéo theo bùn đất lênh láng trước cửa nhà, ngày nắng thì đất đai ngổn ngang bụi mù mịt vào nhà. Không những trẻ con mà người lớn đi cũng bị ngã trật cả cánh tay. Chúng tôi chụp ảnh gửi lên chính quyền rồi, nhưng không biết các ông giải quyết kiểu gì. Đặc biệt, tại đây không có giám sát công trình, nên khi có việc gì chúng tôi chỉ biết phản ánh lên tổ trưởng tổ dân phố, nhưng cũng không giải quyết được gì, cứ người này đùn đẩy người kia.
Thi công ẩu gây ngập úng cục bộ, ô nhiễm môi trường và không có biện pháp xử lý chất thải ... làm ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân tại dự án hơn 300 tỷ.
Chị T.V.T – người dân Tổ 3, đang dùng cuốc để cào tạo rãnh thoát nước ngay trước cửa nhà, cho biết: Dự án triển khai gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân, mỗi lần mưa mấy ngày nước không thoát... dân toàn tự phải xử lý.
Theo một số người dân khác, họ làm đường thoát nước của dân chỗ cao, chỗ thấp nước không thoát được nên chỉ khổ người dân chúng tôi. Ngày làm đường cũ, người sửa chữa không chịu múc cát chỗ bể ga lên. Hôm họ đi nghiệm thu, tôi đã nói với họ, bể ga 100% tắc, nhưng họ chỉ ghi nhận chứ không sửa gì. Vậy là người dân chúng tôi phải chịu khổ đến tận bây giờ.
Đáng nói, đất thải của công trình họ không mang đổ đi, dân kêu nhiều thì họ mang máy ủi từ chỗ này sang chỗ khác, khi mưa lại chảy tràn tiếp ra đường. Chỉ thương trẻ con đi học bị ngã liên tục.
Có mặt tại khu vực triển khai Dự án, PV ghi nhận, tại đây như một đại công trường đang thi công. Nhà thầu thi công không có biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công như: không có biển cảnh báo, rào chắn, biển tên dự án.... Bên cạnh đó, đất đá, vôi vữa, bùn thải lẫn rác thải Dự án bỏ tấp đầy hai bên đường và trước mặt nhà dân làm cản trở việc đi lại, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi đi lại trên đường; gây ngập úng và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Rãnh nước chảy được đổ bê tông từ mái đê xuống chân đê không được gia cố, gây sụt lún, tạo thành những khoảng hở rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng tuyến đê và chất lượng công trình.
Được biết, đơn vị thi công xây dựng Dự án là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Trường Hưng.
Công trình chưa xây xong đã vỡ toác
Để tìm hiểu thông tin về quá trình triển khai Dự án gây nhiều bức xúc trong nhân dân, PV đã có buổi làm việc với ông: Trần Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi cùng 02 cán bộ giám sát và giải phóng mặt bằng Dự án (đại diện chủ đầu tư)
Tại buổi làm việc, ông Tuấn – Phụ trách quản lý Dự án cho biết, Dự án từ cuối 2020 bắt đầu GPMB, tuyến đường đô thị có tổng chiều dài chân đê là 2400m, mặt đê là 2700m. Vì phải GPMB 138 hộ nên tiến độ GPMB kéo dài. Liên quan đến quá trình triển khai thi công, đây là công trình đê điều nên chúng tôi bị bó hẹp trong quá trình cấp phép thi công.
Liên quan đến phế thải xây dựng tập kết tràn lan 2 bên đường, ông Thái Hoàng Giang – Cán bộ phụ trách GPMB Dự án cho biết, bản chất của Dự án này không có phế thải xây dựng, toàn bộ trạc gạch, bê tông,… này là từ phá dỡ GPMB, trong dự án ban đầu không có chi phí phế thải. Nhà thầu phải bỏ kinh phí đi tháo dỡ cắt xén.
Trong phê duyệt tất cả là đất cấp 2, 3 dùng được. Nhưng thời điểm GPMB xong, đào lên thi công, thì ở phía dưới nhiều trạc gạch, bùn, rác thải chôn lấp dưới. Hiện tại, chúng tôi đang tổng hợp báo cáo quận bổ sung thêm lớp kết cấu. Chúng tôi đang điều chỉnh vận chuyển đất thải đi đổ đến nơi quy định của thành phố. Sau đó thay bằng kết cấu phù hợp như cát.
Còn ông Trần Quốc Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Lợi thì khẳng định: Đây là công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên, nên rất được lãnh đạo quận quan tâm và thường xuyên xuống kiểm tra...
Vai trò trách nhiệm của các đơn vị chủ đầu tư, đơn vị giám sát, thi công, quản lý đê điều, UBND phường Phúc Lợi... đang ở đâu khi để tình trạng chất thải tấp đống nhiều ngày mà không có phương án xử lý?
Để làm rõ thông tin, tại sao một công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên lại có thể thi công thiếu sự giám sát như thế này, PV đã có buổi làm việc với ông Đinh Văn Thắng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên (chủ đầu tư) cùng cán bộ giám sát kỹ thuật Ban. Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án quận cũng khẳng định, Dự án ngay từ đầu phê duyệt không có phương án xử lý đất và chất thải phát sinh trong quá trình thi công nên bị vướng, hiện đang tìm hướng xử lý.
Tuy nhiên, khi PV hỏi, thực tế thi công, phát sinh một lượng lớn bùn thải, chất thải xây dựng, thế nhưng vai trò của đơn vị thi công, giám sát, Chủ đầu tư ở đâu khi không báo cáo kịp thời để xử lý? Phải chăng ở đây đang có sự lơ là, thiếu quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường và các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong quá trình thi công Dự án (không treo biển tên Dự án, không biển cảnh báo, không rào chắn, không thu gom chất thải và thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường.. ) ?
Ông Đinh Văn Thắng khẳng định, vấn đề này cũng có một phần trách nhiệm của Ban. Ban sẽ có trách nhiệm họp với nhà thầu để quán triệt lại công tác thi công, để đảm bảo an toàn cho bà con.
Về phản ánh của người dân liên quan đến chất lượng công trình hệ thống thoát nước từ mái đê. Ông Thắng cho biết, sẽ cho kiểm tra ngay, nếu làm không đạt chất lượng thì phải chỉ đạo làm lại.
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam trong buổi làm việc cùng ông Đinh Văn Thắng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên (đại diện chủ đầu tư) và cán bộ giám sát kỹ thuật Ban.
Đáng nói, khi PV xin cung cấp hồ sơ làm rõ việc phê duyệt dự án không có phương án xử lý đất thải và chất thải trong xây dựng và hướng xử lý của chủ đầu tư sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và báo chí về tình trạng ô nhiễm môi trường và chất thải tại dự án? Tuy nhiên đến nay, BQL Dự án vẫn ‘né’ không cung cấp thông tin?!
Tại Quyết định số 47/QĐ-UBND và Quyết định số 4079/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội đã giao rõ trách nhiệm cụ thể cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên. Đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận Long Biên chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đúng quy định pháp luật; Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội thực hiện chức năng quản lý đê điều, giám sát thi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, những gì PV ghi nhận được tại hiện trạng công trình đang thi công và những bức xúc của người dân phản ánh lại đi ngược với những chỉ đạo của UBND TP Hà Nội.
Qua nội dung trả lời của BQL dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên, đơn vị thi công, đại diện phường Phúc Lợi có thể thấy, các đơn vị này đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý, có sự cẩu thả trong quá trình thi công và giám sát thi công. Biết rõ dự án đang ảnh hưởng rất lớn về môi trường, về sinh hoạt của người dân nhưng lại cố tình không tìm biện pháp xử lý kịp thời, gây bức xúc dư luận kéo dài.
Để công trình chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập quận Long Biên trị giá hơn 300 tỷ đồng hoàn thành đúng tiến độ (tháng 10/2023), đạt chất lượng, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn cũng như cuộc sống của người dân. Đặc biệt, để công tác triển khai Dự án thực thi đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, đề nghị UBND TP Hà Nội, chính quyền quận Long Biên cần kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm và vai trò trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, chính quyền phường Phúc Lợi trong quá trình thi công Dự án, để nảy sinh bức xúc kéo dài trong nhân dân (nếu có).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.