moitruongplus Bài toán khó giải về môi trường của Bến Tre hiện nay là khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh bình quân 1.011,6 tấn/ngày nhưng chưa xây dựng được bãi chôn lấp hợp vệ sinh và các nhà máy xử lý rác hiện đại mới trong giai đoạn khởi động.
Thực trạng khó
Hiện nay, khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Bến Tre là 1.011,6 tấn/ngày. Toàn tỉnh có 8 bãi xử lý chất thải rắn đang hoạt động, chủ yếu phục vụ xử lý chất thải rắn cho các khu vực đô thị, có 3 bãi rác được trang bị hệ thống thu gom nước rỉ rác, nhưng chưa triệt để. Tồn đọng từ nhà máy xử lý rác thải Bến Tre được hình thành từ năm 2016 vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Trung tuần tháng 7/2023, việc người dân ngăn chặn xe chở rác vào bãi An Hiệp (huyện Ba Tri) do bãi chôn lấp rác này quá tải, mùi hôi thối tràn ra bên ngoài, buộc chính quyền phải công bố tình huống khẩn cấp về môi trường. Trước những tồn đọng cũ và phát sinh mới, UBND tỉnh Bến Tre ngoài việc ban hành những công văn và ban bố tình trạng khẩn cấp, đã cùng với các ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền và vận động để người dân hiểu hơn về tình hình khó khăn của tỉnh.
Các cấp lãnh đạo tỉnh đang khảo sát bãi rác An Hiệp.
Về phía bãi rác, phương pháp được áp dụng là phủ bạt với diện tích 1,4 ha các ao lấp đầy rác đạt về độ cao, gia cố chống nước rỉ rác thoát ra bên ngoài, nâng cao tường chắn rác bay; tiếp tục khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạng mục công trình nâng cấp, cải tạo bãi rác... và dự án mở rộng (3 ha) để tiếp nhận rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xem xét đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải rỉ rác (công suất 30m3/ngày đêm, kinh phí khoảng hơn 3,5 tỷ đồng), lò đốt rác thải công suất 48 tấn/ngày (kinh phí khoảng 9 tỷ đồng) nhằm giảm lượng rác chôn lấp để tiếp nhận rác của tỉnh khoảng 2- 3 năm chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.
Việc cấp thiết mà UBND tỉnh Bến Tre đề ra là nhanh chóng lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để đáp ứng yêu cầu về môi trường để thực hiện Bến Tre xanh cho tương lai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bến Tre, đến đầu tháng 8/2023, đã có gần 10 doanh nghiệp liên lạc với tỉnh xin đầu tư nhà máy xử lý rác công suất từ 20 – 100 tấn/ ngày. Sở này cũng đã đưa ra tiêu chí để các nhà đầu tư "định dạng” lại gói đầu tư của mình.
Hướng đến tương lai
Diễn biến "nóng” về rác tại Bến Tre suốt hơn nửa tháng qua đã đặt cho chính quyền sở tại nan đề phải tìm ra giải pháp ổn định cho hiện tại và tương lai. Đầu tháng 8/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra một kế hoạch, trong đó nhấn mạnh đến 6 giải pháp quản lý rác thải của địa phương, cụ thể:
1. Quy hoạch khu xử lý rác thải, hoàn thiện quy hoạch tỉnh Bến Tre giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, trong đó quy hoạch xử lý rác thải, tỉnh có 3 khu xử lý rác thải tập trung: Khu xử lý rác thải cho khu vực đô thị phía trên (xử lý rác thải của huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre) gồm 2 khu: Khu 23,2 ha tại xã Hữu Định, huyện Châu Thành mở rộng trên nền Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre cũ và khu 20 ha tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam.Hai khu này được lựa chọn trước mắt mở rộng thêm 2 ha đầu tư tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre (xã Hữu Định); khu còn lại (20 ha tại xã An Thạnh) để dự phòng rác thải cho tỉnh, đưa vào quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, đến giai đoạn 2025 hoặc sau 2025 đề xuất giải phóng mặt bằng khoảng 10 ha để làm phương án dự phòng rác thải của tỉnh (trong trường hợp Nhà máy xử lý rác của tỉnh ngưng hoạt động để sửa chữa hoặc gặp sự cố trong hoạt động không thể tiếp nhận rác thải), đồng thời tạo mặt bằng sạch mời gọi đầu tư xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại và khu chứa bùn thải (đổ thải bùn thải từ nạo vét cống rảnh đô thị, bùn từ hệ thống xử lý nước thải). Và Khu liên hợp xử lý rác thải cho khu vực kinh tế ven biển 20 ha (định hướng cho phát triển hướng Đông của tỉnh sau năm 2030, định hướng đến năm 2050) được mở rộng trên nền bãi rác An Hiệp (Ba Tri).
Hiện trạng bãi rác An Hiệp, huyện Ba Tri.
2. Khẩn trương thực hiện có hiệu quả phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: UBND tỉnh ban hành Công văn số 4373/UBND-TCĐT ngày 21/7/2023 về việc thống nhất thực hiện phương án tái cơ cấu, đầu tư Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre, chuyển nhượng cổ phần của Công ty CP xử lý rác thải Bến Tre cho các cổ đông của Công ty Cổ phần Tập đoàn Amacao, nhằm tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải, thời gian hoàn thành đầu năm 2026 đi vào hoạt động trở lại với công suất 650 tấn/ngày (công nghệ đốt điện), vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn: Thành phố Bến Tre, Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách.
3. Giải quyết rác tạm thời tại các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm trong thời gian chờ hoàn thành tái cơ cấu Nhà máy xử lý rác thải Bến Tre: Tiếp tục phân loại rác thu phế liệu để giảm rác phải chôn lấp, thực hiện chôn lấp, thường xuyên phun xịt xử lý mùi, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
4. Giải quyết rác thải tại huyện Bình Đại: UBND huyện Bình Đại nâng cấp, cải tạo bãi rác thị trấn Bình Đại, xử lý ô nhiễm để tiếp tục tiếp nhận xử lý rác của huyện trong thời gian chờ hoàn thành đầu tư Nhà máy xử lý rác huyện Bình Đại (xã Đại Hòa Lộc, nhà đầu tư Công ty TNHH Phong Thạnh Phát); đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy, thực hiện đóng cửa bãi rác thị trấn Bình Đại, giải quyết ô nhiễm khi Nhà máy được đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động.
5. Giải quyết rác thải ở huyện Thạnh Phú: UBND huyện Thạnh Phú tiếp tục tăng cường công tác vận động nhân dân đăng ký thu gom rác; tiếp tục giám sát doanh nghiệp đầu tư, hoàn chỉnh các hạng mục của Nhà máy xử lý rác huyện Thạnh Phú theo cam kết; thực hiện tốt các giải pháp bảo vệ môi trường.
6. Đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm phối hợp định hướng tuyên truyền để người dân, nhất là người dân ở bãi rác An Hiệp (xã An Đức, huyện Ba Tri), bãi rác Hữu Định (xã Hữu Định, huyện Châu Thành), thành phố Bến Tre cùng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, tiếp tục ủng hộ phương án tiếp nhận, xử lý rác thải của tỉnh trong thời gian chờ thực hiện phương án tái cơ cấu và đầu tư nhà máy xử lý rác thải Bến Tre.
Bãi rác Hữu Định (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) cũng quá tải.
Ngoài 6 giải pháp trên, UBND tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, chính sách về quản lý rác thải phù hợp với tình hình phát triển của tỉnh, với các quy định pháp luật hiện hành như xây dựng và ban hành các quy định: Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác thải, tiêu chí lựa chọn đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải, cập nhật Sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng Sổ tay hướng dẫn quản lý rác thải và quy định ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh (trong đó có quản lý rác thải); tiếp tục tăng cường tuyên truyền về bảo vệ môi trường, quản lý rác thải sâu rộng đến nhân dân, xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, toàn xã hội để thúc đẩy được tính tự giác; lựa chọn đơn vị xử lý rác đáp ứng về công nghệ, đơn vị thu gom, vận chuyển rác (hình thức đấu thầu) đáp ứng điều kiện vận chuyển, đáp ứng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; tiến đến phân loại rác thải tại nguồn sau năm 2024 theo quy định Luật Bảo vệ môi trường 2020, mở rộng mạng lưới, phạm vi thu gom rác; từng bước đưa công tác quản lý rác thải vào đúng khuôn khổ quy định pháp luật.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.