moitruongplus Đoạn sông Lô, khu vực chân cầu Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, 1 bên là xã Tứ Quận còn bên đối diện là xã Phúc Ninh. Hàng ngày, tại đây vẫn tấp nập, rầm rộ hoạt động của các tàu thuyền về neo đậu rồi trung chuyển vật liệu xây dựng, khoáng sản.
UBND xã Tứ Quận không nắm được hồ sơ cấp phép bến thủy nội địa của doanh nghiệp?
Ngày 26/7/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có những ghi nhận tại khu vực chân cầu Tứ Quận, thuộc thôn Bình Ca 1, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về hoạt động vận chuyển, tập kết vật liệu xây dựng, khoáng sản từ dưới sông Lô lên bãi tập kết hoặc lên trực tiếp các xe tải, xe rơ mooc.
Theo đó, hoạt động này hiện lên như một bến thủy nội địa tấp nập và rầm rộ. Tại thời điểm ghi nhận của PV, ở đây có tới 5 con tàu chở vật liệu xây dựng, khoáng sản đang neo đậu để cho các máy xúc thực hiện việc múc vật liệu xây dựng, khoáng sản từ khoang tàu lên thẳng thùng ô tô xe tải cỡ lớn để vận chuyển đi.
Đoạn sông lô, khu vực chân cầu Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vẫn tấp nập, rầm rộ hoạt động của các tàu thuyền về neo đậu rồi trung chuyển vật liệu xây dựng, khoáng sản. (Bên phải xã Tứ Quận, bên trái xã Phúc Ninh)
Hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng, khoáng sản dưới sông tấp nập, rầm rộ như bến thủy nội địa và hoạt động trên bờ cũng rất đáng chú ý. Theo những hình ảnh mà PV ghi nhận được, ngay sau khi vật liệu xây dựng, khoáng sản (cát, sỏi) được chất đầy lên xe thì các xe tải cỡ lớn này ì ạch di chuyển ra tuyến đường huyện.
Theo chân những chiếc xe này thì thật không quá khó để nhận ra sự "khổng lồ” của nó đè lên tuyến đường. Thậm chí, còn có cả những xe sau khi đầy hàng còn không đậy bạt, không che chắn cẩn thận vẫn xuất bến và tham gia giao thông.
Còn đối với tuyến đường huyện, ghi nhận của PV, ngay lối ra của bến tập kết vật liệu xây dựng thì đường giao thông cũng đã xuất hiện những vết hư hỏng, xuống cấp gây cản trở việc đi lại của người dân.
Xe tải được chất đầy vật liệu xây dựng, khoáng sản (cát, sỏi) không đậy bạt ì ạch di chuyển từ trong bãi tập kết ra tuyến đường huyện
Phản ánh về thực trạng này đến ông Hà Xuân Tiệp – Chủ tịch UBND xã Tứ Quận, trao đổi trực tiếp với PV, ông Tiệp thông tin: Tại khu vực chân cầu Tứ Quận có hai doanh nghiệp (Công ty TNHH Trường Thành Tuyên Quang và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hải Giang) được UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép và giao đất để xây dựng bãi chứa cát, sỏi thuộc dự án đầu tư khai thác cát, sỏi lòng sông Lô thuộc địa bàn xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn và xã Đức Ninh, Thái Hòa, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc tàu thuyền neo đậu tại đây để trung chuyển khoáng sản, vật liêụ xây dựng lên các xe tải thì đơn vị có được cấp phép xây dựng và hoạt động bến thủy nội địa hay không? Về việc này, ông Tiệp cho biết: Các tàu thuyền neo đậu ở vị trí gần bãi tập kết, hiện nay UBND xã Tứ Quận đề nghị các công ty cung cấp các hồ sơ liên quan đến việc tập kết thì 2 công ty chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan đến việc tàu thuyền có neo đậu trên địa bàn xã.
UBND xã không nắm được hồ sơ cấp phép bến thủy nội địa khu vực chân cầu Tứ Quận, xã Tứ Quận. (Ảnh khu vực chân cầu Tứ Quận bên xã Tứ Quận).
Như vậy, có thể thấy rằng lãnh đạo UBND xã Tứ Quận hoàn toàn nắm được việc vận chuyển bằng tàu, thuyền để trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng, khoáng sản của cả 2 đơn vị tại khu vực chân cầu Tứ Quận là cần phải có giấy phép hoạt động. Tuy nhiên không hiểu tại sao các đơn vị này không cung cấp cho UBND xã hồ sơ liên quan đến bến thủy nội địa. Trong khi đó hoạt động này vẫn ngang nhiên diễn ra hàng ngày. Vậy, không lẽ chính quyền sở tại đang bất lực khi doanh nghiệp không hợp tác cung cấp hồ sơ ?
Tàu thuyền neo đậu, trung chuyển khoáng sản, VLXD tại xã Phúc Ninh là hoàn toàn trái phép !
Như đã thông tin, cầu Tứ Quận bắc qua sông Lô nối liền hai xã Tứ Quận và Phúc Ninh của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Theo ghi nhận thì tại khu vực chân cầu Tứ Quận (bên xã Tứ Quận) hoạt động bốc xếp, vận chuyển, trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng đang diễn ra tấp nập, rầm rộ như những bến thủy nội địa. Trong khi UBND xã Tứ Quận không nắm được hồ sơ hoạt động bến thủy của doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, khu vực chân cầu Tứ Quận (đoạn bên đối diện xã Tứ Quận là xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) hoạt động của tàu thuyền neo đậu, bốc xếp, vận chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng cũng diễn ra tương tự như bên xã Tứ Quận. Điều đáng chú ý và nguy hiểm là hoạt động này tại đây hoàn toàn không có giấy phép.
Hoạt động tàu thuyền neo đậu và trung chuyển khoáng sản, vật liệu xây dựng tại xã Phúc Ninh là hoàn toàn trái phép
Để chính xác thông tin, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có những trao đổi trực tiếp với ông Vũ Thành Trung - Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh. Trao đổi với PV, ông Trung khẳng định: Về việc tập kết vật liệu xây dựng trái phép thì UBND xã Phúc Ninh không cho đơn vị tập kết ở đấy nữa. Đối với các trường hợp tập kết, tàu về neo đậu thì chúng tôi sẽ chỉ đạo tổ công tác đến làm việc. Hiện nay, đối với địa bàn thì không có hành vi tập kết trái phép và hầu như là không cho các tàu tập kết vật liệu ở đó.
Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh trả lời PV là như vậy, song thực tế hoạt động của tàu thuyền tại bờ sông Lô khu vực chân cầu Tứ Quận thuộc xã Phúc Ninh lại trái ngược hoàn toàn với câu trả lời đó của vị Chủ tịch xã.
Theo đó, ngày 26/7/2023 theo ghi nhận trực tiếp của PV, tại khu vực chân cầu Tứ Quận (bên phía xã Phúc Ninh) có tới 2 con tàu đang neo đậu và 1 máy xúc đang hoạt động múc khoáng sản, vật liệu xây dựng từ khoang tàu lên xe tải cỡ lớn để vận chuyển đi.
Vật liệu xây dựng, khoáng sản (cát, sỏi) được máy xúc múc thẳng từ khoang thuyền lên xe ô tô tải cỡ lớn để vận chuyển đi.
Như vậy, thông qua thông tin mà Chủ tịch xã Phúc Ninh trao đổi với PV, có thể thấy rằng hoạt động này của tàu thuyền, phương tiện tại khu vực chân cầu Tứ Quận thuộc xã Phúc Ninh là hoàn toàn trái phép. Chỉ tiếc rằng, hoạt động này được diễn ra một cách công khai giữa ban ngày nhưng chính quyền xã Phúc Ninh không phát hiện ra.
Vậy trách nhiệm này thuộc về ai, khi việc tàu thuyền neo đậu, vận chuyển hàng hóa như vậy là hoàn toàn trái phép. Do vậy, từ đó sẽ tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng đến môi trường khu vực, dòng chảy và giao thông của sông Lô, cũng như tình hình an ninh trật tự và cuộc sống của nhân dân.
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin ở các bài tiếp theo khi có được thông tin từ Sở Giao thông vận tải tỉnh Tuyên Quang, UBND huyện Yên Sơn hay các đơn vị liên quan khác…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.