moitruongplus "Tuyến đường hoa" dẫn vào nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng,TP Hải Phòng) trở nên nhếch nhác, luộm thuộm bởi ý thức của một số người dân đang rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp chính quyền cũng như trách nhiệm của người dân.
Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thị trấn Tiên Lãng nằm tại khu 2 của thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng). Được biết, đây là nơi quy tập, vinh danh, tưởng niệm hàng trăm anh hùng liệt sĩ là người con của quê hương. Ngay cạnh NTLS, cũng là nơi an nghỉ của thân nhân một số gia đình đang sinh sống trên địa bàn.
Đường vàoNTLS thị trấn là đường đa dụng, hai bên là ruộng lúa của bà con nông dân. Ảnh: Đinh Huyền.
Được biết, một số đoạn trên tuyến đường này từng được trồng hoa chạy dọc hai bên đường rất đẹp mắt. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, đường vào nghĩa trang không còn khang trang, sạch đẹp như trước.
Các hộ dân có ruộng hai bên đường, trong quá trình canh tác đã tận dụng lòng đường để phơi rơm rạ, kéo dài nhiều ngày không thu dọn. Cá biệt, có hộ chăn nuôi còn quây lưới chắn ngang lối đi, thả ngan, vịt khiến cho các phương tiện giao thông gặp khó khi ra, vào khu vực nghĩa trang.
Đáng nói, trên tuyến đường vào NTLS thị trấn Tiên Lãng còn có một ga rác, là nơi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt của bà con nhân dân tại khu 2. Những ngày thời tiết nắng nóng cực đoan hay mưa dầm gió bấc, bãi tập kết rác chưa được mang đi xử lý bốc mùi khó chịu, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi qua lại khu vực này.
Một người dân sinh sống gần đó cho biết, gia đình bà hiện đang chăm sóc phần mộ của người thân tại đây. "Đường vào nghĩa trang khá rộng rãi, đổ bê tông rất an toàn, thuận tiện nhưng lại bị bà con chiếm dụng phơi rơm rạ, thậm chí còn rào chắn lối đi như đường của riêng nhà mình để chăn nuôi vịt, ngan; bãi rác dân sinh thì ngổn ngang những vật liệu cồng kềnh… trông rất mất mỹ quan và phản cảm. Trong khi, đây lại là nơi tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, nơi tổ chức các hoạt động về nguồn, thắp nến tri ân…”, người này phàn nàn.
Ga rác có quy mô diện tích khoảng 50m2,là nơi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt của người dân khu 2. Ảnh: Đinh Huyền.
Ghi nhận của phóng viên thời điểm cuối tháng 6/2023, mặc dù đã có biển cấm đổ rác, nguyên vật liệu song các chất thải rắn, cồng kềnh vẫn chềnh ềnh dọc tuyến đường vào nghĩa trang.
Đáng nói, từng mảng rơm rạ đã mục nát nằm lại trên đường không được thu dọn, đàn gia cầm là ngan/vịt cũng được bà con vô tư nuôi thả trên đường. Để thuận tiện trông coi, một hộ chăn nuôi còn dùng lưới đánh cá làm hàng rào, khiến cho các phương tiện khó vào sâu khu vực nghĩa trang.
Quản trang Nguyễn Đức Sáu thông tin với phóng viên. Ảnh: Đinh Huyền.
Ông Nguyễn Đức Sáu, quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Tiên Lãng chia sẻ, bản thân ông đã nhiều lần chứng kiến các hộ canh tác tại đây phơi rơm rạ và đều góp ý với bà con nhưng không có kết quả. "Tôi được giao quản lý, chăm sóc NTLS, tôi lại chỉ có một mình, không đủ sức quét dọn cả tuyến đường này được. Các bạn trẻ bên Đoàn thanh niên, học sinh các trường quanh đây vẫn đến quét dọn, nhưng không thể thường xuyên và làm hết được. Tất cả phải trông vào ý thức của người dân là chính”, ông Sáu nói.
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, ông Phạm Xuân Hòa – Chánh Văn phòng HĐND & UBND huyện Tiên Lãng xác nhận, người dân phản ánh về tình trạng trên là có cơ sở. Ông Hòa lý giải, do con đường vào nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn vốn là đường nội đồng nên khó tránh khỏi bùn đất, cỏ mọc 2 bên đường. Trong quá trình canh tác, bà con dọn cỏ, rác và chất lên đường bê tông cho chết cỏ.
Mỗi năm, địa phương tổ chức định kỳ từ 3-4 đợt tổng vệ sinh môi trường khu vực nghĩa trang và xung quanh nghĩa trang Liệt sĩ thị trấn Tiên Lãng. Lực lượng chính ra quân dọn dẹp là đoàn thanh niên và các em học sinh các trường THCS, THPT khu vực lân cận.
Giăng lưới, biến lòng đường thành khu vực chăn nuôi gia cầm. Ảnh Đinh Huyền.
Về ga rác, ông Hòa cho biết, cái khó của địa phương là không được phát sinh bãi tập kết rác mới và theo quy định, mỗi khu dân cư phải có một ga rác và ga rác của khu 2 đã có từ trước đó rất lâu.
Thời gian qua, chính quyền thị trấn Tiên Lãng ghi nhận được có hiện tượng người dân đem rác thải cồng kềnh, khó xử lý ra đổ trộm tại khu vực ga rác và địa phương đã có những động thái nhất định. Tuy nhiên, hướng xử lý lâu dài của huyện là triển khai phân loại rác tại nguồn và hiện đang thí điểm tại một số xã. Theo ông Hòa, khi phân loại rác thải tại nguồn, lượng rác thải sinh hoạt đưa ra môi trường sẽ giảm đi đáng kể.
"Sau khi tiếp nhận phản ánh của cơ quan báo chí, huyện sẽ có chỉ đạo tăng cường thường xuyên hơn nữa trong việc tổng vệ sinh môi trường, tuyên truyền cho bà con nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn, đặc biệt là việc vứt rác, vứt cỏ lên trên đường”, ông Hòa khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.