moitruongplus Ngoài các hộ dân đồng ý bồi thường về khu tái định cư, thì khoảng 150 hộ dân tại thôn 11, xã Cư San, huyện M’Drắk vẫn bám trụ, dựng nhà mới. Lý do được nêu: Đến nơi ở mới khi hạ tầng chưa xong, đất sản xuất chưa biết khi nào có sao chúng tôi đi được.
Dân chưa đi vì không có đất sản xuất
Nằm cách trung tâm xã Cư San khoảng 12km, khu vực lòng hồ thuộc vùng dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng đợt 1- giai đoạn 2 đang được thi công chuẩn bị cho việc tích nước. Ghi nhận tại đây, nhiều hộ dân thuộc các thôn 9, 10 tất bật thu dọn toàn bộ đồ dùng, vật tư từ nhà cũ để chuyển đến nơi tái định cư theo dự án. Thì riêng số đông các hộ dân sinh sống tại thôn 11 với khoảng 150 hộ chưa đồng thuận với việc di dời về nơi ở mới vì đất ruộng, đất sản xuất của bà con từ hàng chục năm trước vẫn còn, đất dựng nhà mới đủ cho nhiều người ở. Theo suy nghĩ đó, các hộ thuộc thôn 11 phần bám trụ, phần thì tháo dỡ nhà cửa lần lượt đưa lên khu đồi cao gần đường Trường Sơn Đông để dựng nhà, làm chòi với ý định tụ cư sinh sống tại đây để tiếp tục trồng lúa, trồng rừng.
Ông Vy Seo Quý tỏ sự bất bình khi đề nghị dân đến khu tái định cư chưa hoàn hiện hạ tầng, không có đất sản xuất để giao cho dân.
Hộ ông Vy Seo Quý cho biết: Nói dân đi, nhưng tôi đi xem tận nơi tại khu tái định cư thì hạ tầng chưa xong, đất sản xuất, đất ruộng vẫn chưa có để giao cho dân. Chỉ nói thôi, dân lấy gì để sinh sống? Nhà mình hay nhà nào ở đây cũng đông con, cháu nên không thể đi khỏi khu vực đất sản xuất. Còn việc đi học của các con chúng tôi tự lo được.
Đối với hộ anh Dũng thì cho rằng: Việc đi thì chưa có đất đã là khó khăn cho cuộc sống của chúng tôi rồi, còn khi đến khu tái định cư mỗi hộ dân phải nộp hơn 300 triệu đồng, thời gian đóng trong 5 năm. Nếu sau 5 năm không đóng sẽ thu hồi lại phần đất đã cấp?
Một số hộ dân đã di dân trong đợt 1 vào 3 năm trước đến nay vẫn chưa rõ đất ruộng, đất sản xuất nằm ở đằng đông, hay đằng tây. Nay chúng tôi đi thì việc không có đất sản xuất thì không thể sống được – Một hộ dân thôn 11 cho hay.
Ông Dũng và nhiều người dân thôn 11 kiên quyết dựng nhà gần đất sản xuất của mình dù biết là không đúng quy định.
Theo nhiều hộ dân thôn 11, việc di dời nhà khỏi vùng ngập chúng tôi sẽ chấp hành, nhưng đất sản xuất hiện tại vẫn còn tại xã Cư San là rất lớn, mỗi hộ có mấy hecta đất nên trích một phần đất để dụng nhà, làm chuồng trại để thuận lợi cho việc sinh sống, chăm sóc hoa màu… Do vậy mong muốn các cấp chính quyền của tỉnh Đắk Lắk cho xây dựng trên đất đồi gần khu sản xuất để thuận lợi lo cho cuộc sống.
Với nguyện vọng và việc bố trí đất ở cho dân tại vùng tái định cư chưa có sự đồng thuận, do vậy những ngày cuối 5/2023, nhiều hộ dân tại thôn 11 đưa vật tư, vật liệu lên khu đồi cao cạnh đường Trường Sơn Đông để cùng nhau dựng nhà, lợp mái… theo thống kê có hơn 40 căn nhà đã dựng lên, có nhiều căn đã hoàn thiện. Vị trí dựng nhà thuộc các lô 22, 26, 27, khoảnh 3, tiểu khu 794.
Trước hành vi xây dựng nhà trái phép trên đất nông, lâm nghiệp Chính quyền UBND xã Cư San đã phối hợp lực lượng chức năng của xã và huyện M’Drắk tổ chức tuyên truyền, ngăn chặn, đề nghị người dân tháo gỡ công trình sai phạm đưa vật tư về khu tái định cư để dựng nhà, đảm bảo đời sống dân cư về lâu dài theo quy hoạch của tỉnh.
Những căn nhà mới dựng cạnh đường Trường Sơn Đông không đảm bảo các yêu cầu dễ xảy ra sập đổ vào mùa mưa bão.
Dựng nhà mới ở nơi không an toàn, có nguy cơ đổ sập
Theo Chủ tịch UBND xã Cư San Trần Văn Kiên: Sau khi phát hiện các hộ dân lên đồi dựng nhà, Xã đã thành lập tổ công tác tiến hành vận động, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Đến nay đang hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 hộ đã xác định được chủ sử dụng, số nhà còn lại dựng trái phép đang được xác minh để làm rõ.
Khu nhà mới dựng của nhiều hộ dân thôn 11 xã Cư San bất chấp đề nghị tháo gỡ của chính quyền.
Cùng với việc lập hồ sơ xử lý, thì Xã tiếp tục phối hợp tuyên truyền vận động để người dân không dựng nhà tại đất lâm nghiệp, vận động tháo gỡ các công trình dựng trái phép và tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hộ dân dựng nhà không đúng quy định. Riêng với ý kiến của dân về chưa có đất sản xuất, đất canh tác là chưa chính xác, hiện tại các hộ dân đến khu tái định cư sẽ có đất dựng nhà và hoàn thiện hạ tầng theo từng khu dân cư. Còn với đất sản xuất, đất ruộng đang trong quá trình hoàn thiện bồi thường và sẽ bàn giao ngay cho các hộ dân vào khoảng 9/2023 – Chủ tịch xã Cư San nói.
Trước đó, để người dân nắm rõ thông tin về quá trình triển khai thực hiện dự án, UBND huyện M’Drắk đã nhiều lần họp dân, tiếp thu ý kiến bà con để người dân chấp thuận về nơi ở mới với nhiều thuận lợi cho đời sống của nhân dân vùng tái định cư nhường đất cho dự án.
Nhiều hộ dân đồng thuận dời nhà về nơi ở mới nhường lại đất cho vùng dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng.
Được biết, dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt vào 15/5/2009, đến ngày 20/12/2018 phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình Hồ chứa nước Krông Pách Thượng giai đoạn 1. Tại huyện M’Drắk dự án ảnh hưởng 2 xã gồm: thôn 9,10,11 xã Cư San khoảng 702 hộ dân (chưa tính hộ xâm canh) diện tích 580 ha và tại thôn 5 xã Krông Á diện tích phải thu hồi 170 ha.
Tỉnh Đắk Lắk đã bố trí 2 khu tái định cư tại xã Cư Êlang và Cư Bông thuộc huyện Ea Kar. Huyện M’Drắk đã triển khai 2 giai đoạn vận động cưỡng chế. Tính đến nay đã có hơn 250 hộ dân đã chuyển đến Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang, huyện Ea Kar). Địa điểm khu tái định cư số 2 tại xã Cư Bông huyện Ea Kar đã hoàn thiện, bố trí cho khoảng 500 hộ tái định cư, định canh, chỉ tiêu diện tích dự kiến bố trí là 11.000 m2/hộ, trong đó, đất ở 400 m2, đất vườn 600 m2 và đất sản xuất 10.000 m2.
Nhiều hạng mục công trình Hồ chứa nước Krông Pách Thượng đang tích cực triển khai
Tại buổi họp thông tin mới đây, Phó Chủ tịch UBND huyện M’Drắk Nguyễn Đức Thảo nêu rõ: Đây là dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh. Huyện đã tập trung đẩy mạnh nhiều đợt tuyên truyền vận động người dân chấp hành phương án di dân, bàn giao mặt bằng tuy nhiên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn.
Theo ghi nhận của PV, ngoài số đông các hộ dân được các lực lượng của xã và huyện hỗ trợ tháo gỡ nhà ở cũ, đưa xe vận chuyển toàn bộ đồ dùng, vật liệu về khu tái định cư để dựng nhà, sinh sống. Riêng 150 hộ dân thôn 11, xã Cư San vẫn chưa đồng thuận, tiếp tục dựng nhà cheo leo trên sườn đồi có độ dốc lớn, có nhà đón gió rất mạnh có nguy cơ đổ sập vào mùa mưa bão đến gần. Hiện các cấp đang tiếp tục vận động và nêu rõ chính sách hỗ trợ, cũng như các biện pháp cần thiết để đảm bảo đời sống nhân dân tốt hơn tại nơi ở mới.
Để dự án hồ chứa tích nước theo tiến độ và các hộ dân đồng tình về nơi ở mới, rất cần sự lắng nghe từ các cấp chính quyền về việc cấp đất sản xuất để bà con có sự đồng thuận, kịp thời trồng cấy tạo thu nhập, ổn định đời sống.
Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng được Bộ NN&PTNT phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2009, nhưng do nguồn vốn khó khăn phải giãn, hoãn tiến độ đến năm 2013 mới tái khởi động. Quá trình triển khai, dự án phải điều chỉnh do thay đổi chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm thay đổi tổng mức đầu tư lên 4,4 nghìn tỷ đồng.
Mục tiêu dự án cấp nước tưới cho 14.900ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt 73.000 người; cắt, phòng lũ cho hạ du; nuôi trồng thủy sản; tạo cảnh quan góp phần cải thiện môi trường, khí hậu vùng dự án, phục vụ phát triển KT-XH và an ninh quốc phòng của tỉnh Đắk Lắk.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.