Hạ Long: Cần kiểm tra xe chở đá gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường
Thứ năm, 18/5/2023 | 3:01:07 Chiều
moitruongplusHoạt động khai thác, vận chuyển đá tại thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, TP Hạ Long đang gây hệ luỵ tiêu cực về môi trường, gây mất an toàn giao thông
Thời gian gần đây, các hộ dân sinh sống quanh khu vực 2 mỏ đá trên địa bàn xã Thống Nhất, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh liên tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt nổ mìn khai thác đá, và đoàn xe tải vận chuyển đá đi tiêu thụ gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, sức khoẻ, tài sản và thậm chí là uy hiếp đến tính mạng của họ.
Clip đoàn xe chở đá gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường tại TP Hạ Long
Theo tìm hiểu, tại thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, TP Hạ Long hiện có 2 mỏ đá đang hoạt động khai thác gồm: Xí nghiệp đá Thống Nhất thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng Đông Hải Quảng Ninh, và mỏ đá của Công ty TNHH Khai thác đá xây dựng Hoành Bồ.
Để làm rõ thông tin sự việc, chiều ngày 15/5/2023, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi ghi nhận thực tế về hoạt động khai thác, vận chuyển đá tại 2 mỏ đá này.
Theo ghi nhận, trên dọc đường Tỉnh lộ 337 đoạn qua thôn Làng, xã Thống Nhất, TP Hạ Long đoàn xe tải chở đá đi tiêu thụ nối đuôi nhau chạy rầm rầm cuốn theo bụi bẩn bay mù mịt, nguy hiểm hơn cả khi đoàn xe này không được che chắn kỹ khiến đá rơi vãi khắp mặt đường, gây nguy hiểm trực tiếp đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Nổ mìn khai thác đá tại mỏ đá thuộc Công ty TNHH Khai thác đá xây dựng Hoành Bồ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, ông Lê Văn Chín - người dân sống tại thôn Làng, xã Thống Nhất cho biết: Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay, những hộ dân sống dọc các tuyến đường mà đoàn xe tải vận chuyển đá đi tiêu thụ luôn sống trong tình trạng bất an, nhiều hộ gia đình còn không dám mở cửa. Những nỗi lo sợ về sức khoẻ, về an toàn tính mạng và tài sản từ hoạt động khai thác, vận chuyển đá gây nên không biết bao giờ mới kết thúc.
Mỏ đá của Xí nghiệp đá Thống Nhất thuộc Chi nhánh Công ty Cổ phần xây dựng Đông Hải Quảng Ninh
Để tìm hiểu về hoạt động khai thác đá tại các mỏ trên, khoảng hơn 17h chiều cùng ngày, PV ghi nhận những tiếng nổ vang trời khiến cả khu vực xung quanh rung chuyển, trong khi đó khoảng cách từ nhà dân tới mỏ khai thác đá chỉ khoảng 200m, bởi vậy, việc đá lăn từ trên cao xuống hoặc đá bắn vào nhà dân như phản ánh là hoàn toàn có cơ sở, nhiều nhà nền móng yếu nên tường xây đã bị nứt toác, sụt lún.
Tuyến đường dân sinh tại thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất, TP Hạ Long bị cày nát bởi đoàn xe tải vận chuyển đá đi tiêu thụ.
Theo quan sát tại công trường đang khai thác, các máy xay, máy nghiền đá, máy xúc vận chuyển những tảng đá lớn cùng các xe vận tải đang hoạt động hết công suất. Đặc biệt, tuyến đường dân sinh của người dân cũng chính là con đường ra vào mỏ, do đó việc đoàn xe tải các loại ra vào tấp nập chở đá đi tiêu thụ khiến tuyến đường này bị băm nát, xuống cấp nghiêm trọng. Các hộ dân sống dọc tuyến đường luôn trong tình trạng ‘cửa đóng then cài’ do bụi bẩn phát tán trong quá trình hoạt động vận tải của đoàn xe chở đá này.
Bà Hà Thị M. - 70 tuổi ở thôn Đồng Vải, xã Thống Nhất bức xúc nói: Hàng ngày, ngoài việc chúng tôi bị ‘tra tấn’ bởi bụi bẩn, mất an toàn giao thông từ hoạt động của đoàn xe tải chở đá đi tiêu thụ, thì những bữa cơm, giấc ngủ trưa cũng không thể ngon bởi những tiếng nổ mìn đinh tai để khai thác đá.
Quá trình vận chuyển đá đi tiêu thụ, các phương tiện không được che chắn kỹ khiến đá rơi vãi khắp mặt đường Tỉnh lộ 337 đoạn qua xã Thống Nhất, gây ô nhiễm, mất an toàn giao thông.
Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Cẩm – Giám đốc mỏ đá thuộc Công ty TNHH Khai thác đá xây dựng Hoành Bồ. Trả lời về phản ánh của hoạt động nổ mìn khai thác làm ảnh hưởng đến công trình nhà ở người dân, và việc vận chuyển đá làm rơi vãi gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Ông Cẩm cho biết, việc nổ mìn khai thác làm ảnh hưởng đến nhân dân thì chúng tôi đã khắc phục xong, còn hoạt động vận chuyển làm đá rơi vãi ra đường thì đó là trách nhiệm của khách hàng mua đá và đơn vị vận chuyển. Bởi vì chúng tôi bán đá tại mỏ, nên chỉ có trách nhiệm múc đá lên thùng xe đúng trọng tải cho phép.
Cũng theo ông Cẩm, tuyến đường từ mỏ ra đến đèn đỏ cầu Bang thì hàng tháng chúng tôi đều cho công nhân ra dọn dẹp vệ sinh, rửa đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên các tuyến đường nêu trên, chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long và đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát để ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về giao thông, môi trường đối với lái xe và phương tiện vận chuyển đá như đã nêu trên (nếu có).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.