moitruongplus Đất rừng bị ‘xẻ thịt’ để xây dựng hàng quán trái phép, hoạt động kinh doanh gây nguy cơ cháy rừng, xả thải làm ô nhiễm môi trường… đó là thực trạng đã và đang diễn ra tại khu vực hồ Yên Trung ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Hồ Yên Trung thuộc phường Phương Đông, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh có diện tích khoảng 50ha mặt nước và là hồ nhân tạo, mục đích để ngăn suối giữ nước, đắp đập xả lũ ở hạ lưu dự trữ nước phục vụ 227ha đất nông nghiệp. Hồ được đánh giá có cảnh quan đẹp tự nhiên, không khí trong lành, bao quanh rừng thông rộng lâu năm. Hiện nay, hồ Yên Trung là điểm đến du lịch hấp dẫn nằm trong chuỗi du lịch của TP Uông Bí, bên cạnh những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Yên Tử, Ba Vàng,…
Hồ Yên Trung là điểm đến du lịch hấp dẫn của TP Uông Bí, tuy nhiên đang bị phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn phòng chống cháy nổ.
Theo quy hoạch sử dụng đất TP Uông Bí đến 2020, kế hoạch sử dụng đất TP Uông Bí năm 2019 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2553/QĐ-UBND ngày 25/6/2019): Đất thương mại dịch vụ, hiện trạng là mặt nước chuyên dùng và rừng sản xuất.
Được biết, tại khu vực hồ Yên Trung, khu mặt nước của hồ do Công ty Thủy lợi Yên Lập quản lý; diện tích rừng do Công ty Lâm nghiệp và các hộ dân được giao đất giao rừng quản lý.
Mặc dù là điểm vui chơi lý tưởng, lãng mạn, mộng mơ,… nhưng mọi ngóc ngách rác thải ngập ngụa bốc mùi hôi thối, gây mất mỹ quan. Không những vậy, việc đốt rác tùy tiện đã gây nguy cơ cháy rừng rất cao.
Tuy nhiên, theo thông tin từ người dân trên địa bàn phường Phương Đông và du khách, tại đây đang có tình trạng rác thải từ các hoạt động ăn uống, vui chơi được xả trực tiếp xuống lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó là tình trạng đốt củi nướng đồ ăn của du khách đang tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp.
Ngoài ra, tại đây tồn tại hàng loạt công trình như lều, lán để phục vụ khách ăn uống, nghỉ ngơi được xây dựng trên đất rừng sản xuất, không được cấp phép xây dựng,…
Rác thải, cá chết nổi lềnh phềnh 1 góc hồ.
Anh T.T.H – người dân phường Phương Đông chia sẻ, hồ Yên Trung có vẻ đẹp hoang sơ, được ví như "Đà Lạt thu nhỏ”, một điểm du lịch đậm chất lãng mạn, mộng mơ, trữ tình. Vào cuối tuần hoặc các dịp lễ, gia đình chúng tôi hay lui tới đó vui chơi, ăn uống. Nhưng tôi không biết công tác quản lý môi trường ở đây như nào mà dưới lòng hồ có rất nhiều rác thải như chai lọ, túi ni long nổi lềnh phềnh khiến nước hồ bị ô nhiễm, làm cá chết nổi bốc mùi hôi thối, rất mất mỹ quan.
Cũng theo anh T.T.H, mặc dù là điểm vui chơi lý tưởng, nhưng tôi rất e ngại về an toàn phòng cháy nổ ở đây. Xung quanh là rừng thông mà các hộ kinh doanh ngang nhiên đốt rác thải bốc mùi khét lẹt. Đặc biệt, nhiều gia đình hoặc nhóm đông người đến đây cắm trại, picnic hay tổ chức dã ngoại, rồi các du khách đến ngang nhiên sử dụng củi đốt ngay trong khu vực rừng để tự nấu nướng đồ ăn, rất dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng.
Hồ Yên Trung như bị ‘băm nát’ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại đây.
Để làm rõ thông tin phản ánh, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có buổi "trải nghiệm” tại khu vực hồ Yên Trung. Tại đây có khu vực xây dựng cổng, hàng rào, khuôn viên, mở đường; xây dựng tiểu cảnh vườn Địa đàng, cầu Tình yêu, chữ nổi hồ Yên Trung... Nhiều hộ xây dựng dãy nhà tạm bằng khung thép, lợp mái lá ở cả trong rừng, và dấu hiệu xâm hại lòng hồ để kinh doanh. Một số hộ kinh doanh khác còn làm các chòi, lán riêng để cho các gia đình, nhóm bạn trẻ thuê khi picnic.
Theo quan sát của PV, đất rừng ở đây có dấu hiệu bị ‘xẻ thịt’ để xây dựng hàng loạt các công trình trên, phá vỡ quy hoạch tại khu vực hồ Yên Trung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và chiến lược bảo vệ, phát triển rừng tại đây.
Một công trình có dấu hiệu xâm phạm lòng hồ, và công trình khung thép hoành tráng được xây dựng ngay trong khu vực rừng tại hồ Yên Trung.
Đáng nói, mặc dù ở đây có biển "Nghiêm cấm xả rác bừa bãi”, nhưng theo ghi nhận, rác thải được chất đống, ngập ngụa mọi ngóc ngách ở khu hồ này. Nhiều đống rác được người dân đốt khói bay mù mịt, khiến nguy cơ cháy rừng rất cao. Không những vậy, trên mặt hồ, rác thải và cá chết nổi lềnh phềnh trôi dạt vào một góc hồ, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Để rộng đường dư luận, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Chủ tịch UBND phường Phương Đông, kiêm Tổ phó Tổ Quản lý hồ Yên Trung (Tổ trưởng là Phó Ban quản lý rừng Quốc gia Yên Tử, tổ này bao gồm nhiều phòng ban chức năng của TP Uông Bí - PV).
Liên quan đến việc người dân đi picnic mang đồ vào tự nướng, gây nguy cơ cháy rừng rất lớn, bà Mai cho biết: Về phương diện quản lý Nhà nước ở địa phương, tại hồ Yên Trung có 4 nhân viên của Ban quản lý rừng Quốc gia Yên Tử thường trực, riêng thứ 7 và CN cử thêm Tổ bảo vệ dân phố. Khi khách vào, chúng tôi nhắc nhở không cho khách đến tự đốt củi để nướng đồ, mà người dân được giao đất giao rừng quản lý khu vực đó cho thuê bếp nướng. Tuy nhiên chúng tôi quản lý, giám sát, nhắc nhở để đảm bảo an toàn.
Vị Phó Chủ tịch UBND phường Phương Đông cũng trao đổi thêm, vấn đề này UBND TP Uông Bí và phường Phương Đông không đồng ý việc kinh doanh du lịch vì chưa được phép.
Trẻ em xuống ngay sát lòng hồ vui chơi gây nguy cơ mất an toàn đuối nước
Liên quan đến các hộ kinh doanh xây dựng, lập các lán, nhà tạm để kinh doanh nhà hàng ở cả trong rừng và nhiều công trình có dấu hiệu xâm hại lòng hồ, bà Mai cho biết, đối với các lán, nhà tạm này không được cấp phép, đặc biệt là các nhà khung thép thì càng không được phép làm. Liên quan đến các công trình này, phường cũng đã lập các biên bản yêu cầu tháo dỡ các công trình đó, thế nhưng mỗi khi tháo dỡ xong họ lại dựng lại.
Cũng theo bà Mai, Tổ quản lý hồ cũng phối hợp yêu cầu người dân không được dựng các nhà khung sắt thép. Hiện chưa có quy định được phép xây dựng các công trình phục vụ cho khai thác du lịch ở hồ Yên Trung.
Du khách ‘nổi lửa’ ngay trong rừng thông để nấu nướng đồ ăn tại hồ Yên Trung.
Có thể thấy, về lâu về dài, hồ Yên Trung có tiềm năng du lịch rất lớn, tuy nhiên hiện nay vẫn còn một số những bất cập, đó là có nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý. Vì vậy, việc quản lý hoạt động dịch vụ tự phát tại đây đã gây ra hệ lụy rất lớn về môi trường, an ninh trật tự và công tác phòng chống cháy rừng tại các diện tích rừng quanh hồ Yên Trung. Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến dấu hiệu buông lỏng quản lý, giám sát và bảo vệ rừng cũng như mặt nước hồ Yên Trung.
Để phát triển du lịch hồ Yên Trung theo hướng chuyên nghiệp, góp phần phát triển, đa dạng hoá sản phẩm du lịch của TP Uông Bí trong giai đoạn tới, cần có các quy định rõ ràng của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí để có sự quản lý bài bản, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.