moitruongplus Gần 10 năm nay, đê tả Lạch Tray ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân liên tục ‘kêu cứu’ do phải oằn mình gánh chịu các hoạt động xây dựng trái phép, phá vỡ kết cấu đất gây ảnh hưởng đến môi trường, mất mỹ quan đô thị nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Theo thông tin phản ánh của người dân ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, TP Hải Phòng, tại khu vực bãi sông ngoài đê tả Lạch Tray trên địa bàn phường, nhiều hộ dân đã tổ chức xây dựng nhiều công trình kiên cố để làm nhà ở, khu sinh thái và kinh doanh nhà hàng. Các công trình này ‘mọc’ lên gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt, việc xâm hại khu vực bãi sông đã ‘uy hiếp’ đến sự an toàn hành lang bảo vệ đê, gây ảnh hưởng đến dòng chảy thoát lũ…
Bất chấp chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, hoạt động xây dựng trái phép trên khu vực đê tả Lạch Tray ở phường Vĩnh Niệm vẫn diễn ra rầm rộ.
Để giải quyết thực trạng trên, theo tài liệu mà PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thu thập được cho thấy, suốt từ năm 2016 đến nay, nhiều Sở, ngành liên quan của TP Hải Phòng đã ra nhiều văn bản báo cáo, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo giải quyết dứt điểm sự việc.
Gần đây nhất, ngày 7/3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng ban hành Văn bản số 670/SNN-TL gửi UBND TP Hải Phòng, chính quyền quận Lê Chân khẩn trương kiểm tra có biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và quy định đối với các hoạt động vi phạm xây dựng trên bãi sông ngoài đê tả Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm.
Khu vực bờ kè trên bãi sông ngoài đê tả Lạch Tray tiếp tục bị đào, phá ‘uy hiếp’ an toàn hành lang bảo vệ đê.
Theo nội dung văn bản, trên khu vực bãi sông ngoài đê tương ứng từ Km25+300 đến Km25+410 Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm, một số hộ cá nhân đang có các hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng công trình vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng, đê điều, cụ thể như sau:
Tại Km25+300, ông Phạm Quốc Hưng (nơi ở hiện tại: số 12 đường 6 Khu đô thị ven sông Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm) xây dựng công trình nhà với diện tích 32 m2; Tại Km25+400, khu đất Công ty cổ phần 27-7 đã chuyển nhượng, phát sinh hoạt động san lấp mặt bằng, xây dựng công trình nhà với diện tích 50 m2 và ở Km25+410, ông Tống Phúc Thuần (nơi ở hiện tại: số 16 đường 4 Khu đô thị ven sông Lạch Tray, phường Vĩnh Niệm) tập kết vật liệu, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình với diện tích 43,5 m2.
Chất thải xây dựng được tập kết, chất thành đống ngay khu vực đê tả Lạch Tray gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, mất mỹ quan đô thị.
Cũng theo văn bản, việc sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, quản lý đất bãi bồi ven sông của địa phương. Các hoạt động vi phạm đã được lực lượng quản lý đê kiểm tra, phát hiện và phối hợp với UBND phường Vĩnh Niệm lập biên bản, kiến nghị UBND quận Lê Chân có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định. Tuy nhiên đến nay các hoạt động vi phạm vẫn tiếp diễn, chưa được xử lý; các đối tượng vi phạm tiếp tục xây dựng công trình.
Sau khi nhận được văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 10/3/2023, UBND TP Hải Phòng ban hành Văn bản số 1465/VP-TL gửi UBND quận Lê Chân, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, qua đó yêu cầu chính quyền quận Lê Chân khẩn trương kiểm tra, xử lý dứt điểm các vi phạm trên theo thẩm quyền và quy định pháp luật; đồng thời thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm phát sinh, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Hàng loạt văn bản và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Hải Phòng để giải quyết những sai phạm tại khu vực đê tả Lạch Tray, nhưng sự việc kéo dài gần 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc dư luận.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, một lãnh đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hải Phòng, cho biết về nguồn gốc đất tại khu vực đê là đất nuôi trồng thuỷ sản, được chính quyền cho các hộ dân thuê nhưng đều đã hết hạn nhiều năm nay. Tất cả các hoạt động xây dựng trên khu vực này đều không được phép, đó là hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ đê điều.
Về chủ nhân các công trình vi phạm trên, vị lãnh đạo này ‘bật mí’, họ đều là những người có điều kiện, vị trí trong xã hội, trong đó có cả một vị ‘quan lớn’ đang công tác trong ngành quân đội.
Một số hình ảnh các công trình xây dựng kiểu khu sinh thái, nhà hàng hoành tráng ‘mọc’ trái phép trên khu vực đê tả Lạch Tray ở phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.
Trong một diễn biến khác, bất chấp việc chính quyền TP Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt như trên, nhưng theo ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam những ngày vừa qua, thì mọi hoạt động xây dựng tại khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ như chưa hề có văn bản chỉ đạo của các cấp chính TP Hải Phòng ?!
Để sự việc kéo dài gần 10 năm nay, cùng với rất nhiều văn bản chỉ đạo của các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, nhưng đến nay sự việc không những không được ngăn chặn, xử lý mà các đối tượng tiếp tục thực hiện các hành vi vi phạm với mức độ ngày càng ngang nhiên, công khai như thể thách thức chính quyền, thách thức pháp luật và dư luận xã hội.
Để đảm bảo an toàn tuyến đê, ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn và sự thượng tôn pháp luật không có ‘vùng cấm’, chúng tôi kính đề nghị UBND TP Hải Phòng, chính quyền quận Lê Chân cần vào cuộc chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, đưa ra các biện pháp cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm sự việc, lấy lại niềm tin trong nhân dân, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có biểu hiện ‘tiếp tay’ cho sai phạm (nếu có).
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.