moitruongplus Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam, quá trình xây dựng và vận hành Thủy điện Sông Tranh 2 tại huyện Bắc Trà My đã nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó đáng lo nhất là chuyện hậu tái định cư cho người dân giải tỏa.

Dân kêu thiếu đất sản xuất, nhà cửa xuống cấp

Từ phản ánh về những khó khăn ở  khu vực tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trung tuần tháng 3/2023, Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam có chuyến thực địa tìm hiểu về đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 ở địa bàn huyện Bắc Trà My.

Từ Ngã ba Trà Đốc, điều khiển xe máy theo tuyến đường ĐH8, chúng tôi đánh vật với cung đường 40km lổn nhổn ổ voi, ổ gà đang xây dựng dở dang mất hơn 2 giờ mới vào đến trung tâm UBND xã Trà Bui. Đây là một trong 3 xã có di dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 lớn nhất của huyện Bắc Trà My với 663 hộ (3.326 khẩu) trên tổng số 903 hộ (4.284 khẩu) liên quan đến di dời, giải tỏa dự án.


Con đường ĐH8 lầy lội, khó đi dẫn vào UBND xã Trà Bui, ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng tái định cư thủy điện.

Các khu tái định cư thủy điện là những ngôi nhà cấp 4 được xây dựng theo cùng một mẫu, nằm giữa lưng chừng đồi, rải rác theo tuyến đường thảm bê tông thuộc các thôn  5 và 6 của xã Trà Bui. Điều dễ nhận ra nhất là nhà lợp tôn đã hoen gỉ, tường sơn màu vàng, hầu hết đã bong tróc, phơi cả lớp gạch xây ra bên ngoài.

Đến thôn 6 xã Trà Bui để thực hiện "3 cùng" (cùng ăn, ở, sinh hoạt) với người dân địa phương, phóng viên được anh Hồ Văn Thọ (30 tuổi), thôn trưởng cho biết, toàn thôn có 276 hộ là đồng bào dân tộc Ca Dong. Trong số này có khoảng 180 hộ là di dân từ thủy điện Sông Tranh 2 về nhận nhà, sinh sống từ giai đoạn năm 2006 đến 2009.


Nhà xây bố trí cho người dân tái định cư dự án Thủy điện Sông Tranh 2 tại xã Trà Bui  bị xuống cấp. 

Hỏi về đời sống của bà con di dân hậu tái định cư, anh Thọ cho biết: "Hầu hết bà con về đây định cư được hơn 10 năm, hiện đang đối diện với rất nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, không có việc làm, nhà cửa xuống cấp không ở được, nguy cơ đói nghèo hiển hiện trước mắt. Vào mùa khô, nhiều nơi thiếu nước sản xuất nông nghiệp lẫn nước sinh hoạt. Vì chuyện này mà trong thôn đã có hơn 10 hộ dân bỏ nhà, chuyển về làng cũ dựng trại sinh sống”.

Biết tin có phóng viên về tìm hiểu đời sống người dân, anh Nguyễn Văn Thanh (39 tuổi) đi xe máy đến nhà trưởng thôn dẫn chúng tôi về nhà mình để phản ánh về những khó khăn anh đang phải chịu đựng.

Anh bảo, nhà mình thuộc diện di dời giải tỏa để nhường đất xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 từ năm 2007. Nhà có 7 khẩu, khi về đây được nhận 1 ngôi nhà xây trong khuôn viên 1.000m2, kèm theo hỗ trợ 3 năm lương thực. Do không có đất sản xuất nên khi hết hỗ trợ lương thực, vợ chồng anh phải đi làm thuê, thu nhập bấp bênh, không đủ tiền nuôi các con ăn học.


Phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam trao đổi thông tin với anh Nguyễn Văn Thanh.

Cũng theo anh Thanh, điều khó khăn nhất của gia đình là căn nhà do Nhà nước cấp từ năm 2007 đã xuống cấp, tường bong tróc, vào mùa mưa thì thấm, dột không ở được. Nguyện vọng của anh là mong nhà nước quan tâm sửa lại nhà và bố trí đất để bà con có nơi sản xuất, chứ thế này thì thiệt thòi quá.

Kế bên nhà anh Thanh, hộ ông Hồ Văn Thương (67 tuổi) cũng lâm vào cảnh khó khăn khi di dân về nơi ở mới. Ông bảo rằng, mình thuộc diện di dời về đây muộn nhất nên chịu nhiều thiệt thòi khi không có đất sản xuất. Nhà ông có 11 khẩu, về khu tái định của Trà Bui cuối năm 2009, được Nhà nước cấp cho 1 ngôi nhà trên diện tích 1.000m2 và số tiền 305 triệu đồng. Gia đình ông tự khai phá được thêm 1ha đất rừng để trồng các loại cây lâm sản. Nhà đông người, không có đất sản xuất nên hằng năm, ông Thương và vợ phải đi xin các rẫy trồng keo vừa mới thu hoạch của bà con trong thôn để trồng lúa.


Căn nhà xây bố trí tái định cư cho hộ ông Hồ Văn Thương sụp đổ, hư hỏng không ở được.

Ông Thương bồi hồi nhớ lại: "Hồi xưa ở chỗ cũ nhà mình có tổng diện tích hơn 20ha đất các loại trồng quế, lúa nước, đậu xanh, lúa rẫy… chăn nuôi gia cầm, gia súc thừa cái ăn cái mặc. Chừ về đây đất sản xuất không có, chăn nuôi thì chỗ mới hay bị dịch bệnh, con cái thiếu ăn thiếu mặc. Nhà đang nuôi một cháu học đại học năm cuối, nên cháu lớp 8 không có tiền phải nghỉ học giữa chừng. Vợ chồng tôi già rồi, không còn sức lao động, làm thuê mỗi ngày chỉ được 100.000 đồng, cuộc sống vô cùng khó khăn”.

Không chỉ thiếu đất sản xuất, nỗi lo lớn hơn của ông Thương là việc ngôi nhà xây do Nhà nước cấp đang xuống cấp, hư la phông, tường bong tróc, vôi vữa bóp vào nát như bột, thấm dột không ở được. Cả gia đình 11 khẩu phải tá túc trong ngôi nhà sàn có diện tích hơn 20m2, vừa mới xây được 2 năm từ số tiền 40 triệu đồng hỗ trợ chế độ quân nhân.


Vôi vữa trên tường nhà ông Hồ Văn Thương bong tróc, bóp vỡ vụn như bột.


Nhà xây tái định cư xuống cấp, hư hỏng không ở được, cả gia đình ông Hồ Văn Thương phải tá túc trong ngôi nhà sàn có diện tích hơn 20m2.

Đến thôn 5 xã Trà Bui, nơi có hơn 200 hộ dân thuộc diện tái định cư thủy điện Sông Tranh 2, phóng viên cũng ghi nhận nhiều ý kiến về việc thiếu đất sản xuất, nhà cửa xuống cấp không ở được, trường học bỏ hoang.

Cũng tại đây, phóng viên nắm được thông tin, sau trận mưa lũ, gây sạt lở đất năm 2017, có hơn 50 hộ dân phải rời bỏ nhà cửa, di chuyển về khu vực an toàn gần UBND xã Trà Bui để làm nhà sàn tá túc. Hàng chục căn nhà xây phục vụ tái định cư bỏ hoang, xuống cấp, trong đó có cả ngôi trường mẫu giáo và cấp 1 cũng cùng chung số phận.


Nhiều ngôi nhà xây bố trí cho người dân tái định cư thủy điện ở thôn 5 xã Trà Bui bỏ hoang vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.


Ngôi trường mẫu giáo tại khu vực thôn 5 xã Trà Bui bỏ hoang vì nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở.

Có nhà tái định cư trong vùng sạt lở, chị Hồ Thị Lan (40 tuổi) cho hay: "Nhà tôi ở gần suối Bơ, sau trận mưa lũ, sạt lở đất năm 2017 làm trôi mất 2 nhà, chính quyền không cho dân ở đây nữa. Vậy là tôi phải di chuyển về nơi tái định cư mới làm nhà sàn để ở, được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng. Di chuyển nơi ở liên tục như vậy làm gia đình tôi gặp nhiều bất lợi”.


Chị Hồ Thị Lan lo lắng khi ngôi nhà xây được nhà nước cấp nằm trong vùng sạt lở không ở được, phải làm nhà sàn khu vực khác để tá túc.

Cũng theo Hồ Thị Lan, nhà chị có 6 khẩu, chuyển về khu tái định cư từ cuối năm 2019, được bố trí nhà, đất có diện tích 1.000m2. Vợ chồng chị không có công ăn việc làm ổn định, thiếu đất sản xuất nên gặp vô vàn khó khăn. Chị mong Nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chỗ ở ổn định chứ đất và nhà nằm trong khu vực sạt lở, chỉ cho về trồng trọt chứ không được ở là thiệt thòi quá nhiều.


Căn nhà xây của chị Hồ Thị Lan nằm trong vùng sạt lở, bị bỏ hoang.

Cùng chung tâm trạng như chị Lan, hộ ông Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1952, người Mơ Nông) ở thôn 5 cho biết, ở nơi cũ, ông có 2ha đất trồng đậu, bắp,  lúa… chăn nuôi bò 7 con cùng  nhiều heo gà, cuộc sống ổn định. Giờ lên đây được cấp nhà, nhận thêm 70 triệu đồng tiền đền bù và hỗ trợ 3 năm tiền ăn (lương thực), không có đất sản xuất, không biết làm gì để sống.

Đáng lo nhất là ngôi nhà xây do Nhà nước cấp mới sử dụng vài năm đã xuống cấp, thấm, dột không ở được. Ở đây mùa hè thiếu nước, phải đi lấy nước xa hơn 1km, chăn nuôi gia súc, gia cầm thì phần lớn bị dịch bệnh, ông Dũng cùng người con út gặp nhiều khó khăn.


Ông Nguyễn Văn Dũng tại thôn 5 xã Trà Bui lo lắng vì ngôi nhà xây do nhà nước cấp hư hỏng, thấm dột, không ở được.

*Cần sớm tháo gỡ khó khăn cho người dân vùng tái định cư thủy điện

Từ phản ánh của người dân khu Tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2, trao đổi với ông Lê Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Bui được biết, đây đúng là những tồn tại, khó khăn của địa phương trong những năm qua. "Việc này địa phương đã ghi nhận ý kiến của cử tri phản ánh, có kiểm tra và báo cáo lên các cấp có thẩm quyền, nhất là việc giao thông đi lại khó khăn, dân thiếu đất sản xuất, nhà cửa xuống cấp, thiếu nước sinh hoạt, thiếu công ăn việc làm… để tìm cách giải quyết, song mọi chuyện vẫn chưa được xử lý triệt để”, ông Lê Cường thông tin thêm.

Cũng theo ông Lê Cường, đầu tháng 3/2023, làm việc với lãnh đạo UBND huyện Bắc Trà My, xã Trà Bui phản ánh việc toàn xã có 90% hộ dân sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước và lúa rẫy. Tuy nhiên, đất sản xuất ở đây được Nhà nước quy hoạch đưa vào rừng phòng hộ nên người dân không có đất sản xuất. Số diện tích đất của người dân giải tỏa ngoài vạch giới hạn của dự án thủy điện ở nơi cũ, khi người dân tái định cư thiếu đất, quay về canh tác thì bị vướng vào khu vực rừng phòng hộ.

Thêm nữa, việc đi lại của người dân gặp khó vào mùa mưa, nhất là khi tuyến đường ĐH8 chậm triển khai thi công. Hệ thống nước sinh hoạt của các khu tái định cư với 8 đập và 77 bể chứa thì có tới 55 bể không có nước, 5 đập không hoạt động. Toàn xã hiện có 11 nhà tái định cư cho người dân giải tỏa dự án Thủy điện Sông Tranh 2 đang bị bỏ hoang.


Ngôi nhà xây trong khu tái định cư Thủy điện ở thôn 6 xã Trà Bui bỏ hoang.

Tiếp tục tìm hiểu về sự việc này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Trần Toại, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My được biết, lãnh đạo huyện có nắm bắt thông tin về chuyện nhà tái định cư cho dự án thủy điện Sông Tranh 2 xuống cấp. Qua kiểm tra, huyện xác định, nguyên nhân chủ quan là do người dân sử dụng hơn 10 năm không duy tu, bảo dưỡng nên tường bong tróc, có nhà bỏ hoang nên hư hỏng nhanh. Về việc người dân kiến nghị sửa chữa nhà, công trình nước sinh hoạt… huyện không có kinh phí thực hiện, sẽ đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh và làm việc với Ban quản lý Thủy điện Sông tranh để tìm hướng khắc phục.

Riêng về việc người dân thiếu đất sản xuất, thực tế các hộ di dân tái định cư vào Trà Bui ngoài việc được bố trí nhà trên diện tích 1.000m2 đất ở còn được cung cấp từ 1,2ha đến  1,8 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, thời điểm giải tỏa, có hộ dân nhận tiền được quy đổi theo đất sản xuất nên khi về nơi ở mới không có đất canh tác. "Huyện đang chỉ đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra, rà soát lại toàn bộ số hộ thiếu đất sản xuất để xác định trước đây có nhận tiền thay đất hay không. Thêm nữa, sẽ rà soát lại toàn bộ số diện tích đất từ nơi ở cũ của các hộ dân trước khi giải tỏa mà không nằm trong ranh giới dự án để kiến nghị, bố trí lại cho dân sản xuất”, ông Toại thông tin.


Thiếu đất sản xuất, người dân vùng tái định cư Thủy điện Sông Tranh 2 rời bỏ nhà xây, chuyển đi nơi khác làm ăn sinh sống. 

Liên lạc Cty Thủy điện Sông Tranh để tìm hiểu thêm về các chính sách tái định cư cho người dân vùng giải tỏa, phóng viên được ông Nguyễn Bình, Trưởng phòng Môi trường Tái định cư Ban Quản lý dự án thủy điện 3, kiêm Trưởng phòng  Hành chính và Lao động  Công ty Thủy điện Sông Tranh cho biết, công tác Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án thủy điện Sông Tranh 2 đã thực hiện đúng các quy định Nhà nước, hoàn thành vào năm 2012.

Cũng theo ông Bình, Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 được xây dựng trên thượng nguồn Sông Tranh thuộc bậc thang hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuyến công trình chính nằm trên địa phận của 2 xã Trà Đốc và Trà Tân (H.Bắc Trà My); hồ chứa nằm trên địa phận của 8 xã: Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giác, Trà Tân (H.Bắc Trà My) và Trà Dơn, Trà Leng, Trà Mai, Trà Tập (H. Nam Trà My).

Sau khi hoàn thành đồng bộ nhà ở tái định cư và các hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá,… chủ đầu tư và chính quyền địa phương tổ chức bàn giao nhà ở cho từng hộ tái định cư vào sinh sống. Theo quy định, trong 1 năm đầu sau khi nghiệm thu đưa vào sử dụng, mọi hư hỏng, khiếm khuyết của công trình do nguyên nhân của nhà thầu thực hiện đều được chủ đầu tư phối hợp với nhà thầu khắc phục. Ngoài ra, các hư hỏng khác không thuộc trách nhiệm của nhà thầu và chủ đầu tư cũng đều được hỗ trợ người dân khắc phục.

Tuy nhiên, sau hơn 14 năm (từ 2009 đến 2023) đưa vào sử dụng, với quy mô là nhà ở cấp 4 (mái lợp tôn, tường xây gạch; xà gồ, cửa đi, cửa sổ gỗ nhóm IV, nền lát gạch hoa xi măng…), nằm trong khu vực có khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, nếu không được tu bổ, sửa chữa, thì hiện nay việc hư hỏng, xuống cấp là điều khó tránh khỏi.


Sau 14 năm sử dụng nhưng không tu bổ, nhà xây tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 bố trí cho dân xuống cấp, hư hỏng.

Về đất sản xuất cho người dân, trong quá trình triển khai công tác bồi thường tài sản nói chung và đất sản xuất nói riêng, phần lớn người dân di dời tái định cư đều có nguyện vọng nhận tiền bồi thường đất sản xuất ở nơi cũ - tự lo đất sản xuất ở nơi ở mới. Người dân sử dụng đất còn lại trên vùng ngập ngoài lòng hồ hoặc tự khai hoang hoặc tự sang nhượng.

Lúc bấy giờ, huyện uỷ, UBND huyện Bắc Trà My và các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc để vận động người dân nhận đất sản xuất để canh tác. Tuy nhiên, người dân vẫn khẳng định có đủ đất sản xuất và đăng ký danh sách nhận tiền bồi thường. Theo đó, toàn bộ 321 hộ dân TĐC xã Trà Bui đã nhận đủ 100% tiền bồi thường để tự lo đất sản xuất tại nơi ở mới.

Thực tế là đời sống người dân hậu tái định cư Thủy điện ở H.Bắc Trà My nói riêng và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Nam và doanh nghiệp vận hành, khai thác các công trình thủy điện cần phải tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là giải quyết công ăn việc làm, tạo sinh kế phù hợp để người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác

trểt
rẻ
rewrew
fewef

Hà Nội: Yêu cầu khắc phục 30 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch huyện Nhà Bè chỉ đạo di dời cơ sở tái chế phế liệu gây ô nhiễm

Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.

Hải Dương: Xã Thanh Hải mua thùng đựng rác 1 đằng sử dụng 1 nẻo (Bài 2)

Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

Hỗ trợ cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường Hải Phòng bị ảnh hưởng bão số 3

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Sudan: Dịch tả hoành hành khiến 315 trường hợp tử vong

Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.

Quảng Ninh từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân sau bão

Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.