moitruongplus Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3, trong khi rất nhiều chị em tràn ngập trong niềm vui, được đón nhận những đóa hoa tươi thắm, những món quà ý nghĩa thì nhiều người vẫn miệt mài với công việc, không có quà tặng...
Mùng 8/3 là ngày đặc biệt của những người phụ nữ, nhưng đối với các nữ công nhân vệ sinh môi trường thì ngày này cũng như bao ngày khác. Các chị vẫn thầm lặng thu dọn rác, quét đường, làm đẹp cho đô thị.
Đường phố Hà Nội những ngày này trở nên nhộn nhịp, rực rỡ hơn bởi nhiều hàng hoa tươi và sắc áo dài truyền thống của chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, thấp thoáng hình ảnh những nữ công nhân vệ sinh môi trường với màu áo xanh quen thuộc vẫn âm thầm quét dọn đường phố, giữ gìn môi trường.
Công nhân vệ sinh môi trường Hà Nội thu gom rác thải trên địa bàn phường Trúc Bạch. Ảnh TL
Càng những ngày lễ, thì những "bóng hồng thầm lặng” đó càng không có thời gian cho bản thân và gia đình. Phần lớn thời gian họ "bám” mặt đường để thu gom rác thải, vệ sinh đường phố,… làm sao để Thủ đô thật xanh – sạch – đẹp. Vất vả là thế nhưng chưa bao giờ họ nản lòng, vẫn gắn bó với nghề, vẫn vui và không khỏi tự hào với công việc của mình.
Chị Nguyễn Thu Hiền, đang thu gom rác tại phố Tô Ngọc Vân, Hà Nội chia sẻ: "Ngày mùng 8/3 cũng như ngày bình thường thôi. Chúng tôi vẫn quét dọn đường, thu gom rác thải giữ gìn vệ sinh cho thành phố. Công việc ngày này có khi nặng hơn ngày thường vì là ngày lễ mà. Chỉ mong là người dân có ý thức hơn, tập kết rác đúng nơi quy định thì mình sẽ đỡ vất vả hơn một chút”.
"Tôi làm nghề này chục năm rồi. Nghề nào cũng vậy, phải yêu nghề mới gắn bó lâu dài được. Ngày 8/3 kéo xe qua các hàng hoa, thấy người ta ăn mặc đẹp chụp hình cũng chạnh lòng chứ, nhưng công việc của mình vậy thì mình vẫn làm. Vẫn tự hào chứ vì giữ gìn được môi trường, làm đẹp cho thành phố” – Chị Nguyễn Thu Hiền chia sẻ thêm.
Tại Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương có tới 70% lao động là phụ nữ. Bất kể ngày mưa hay nắng, lễ, Tết... các chị đều cần mẫn làm nhiệm vụ thu gom rác thải, vệ sinh đường phố. Ca làm việc sớm nhất trong ngày bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng, ca muộn nhất sẽ kết thúc khi đồng hồ vừa điểm 12 giờ đêm.
Hằng ngày, chị Trần Thị Quý, công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương làm việc vào buổi tối, bắt đầu từ lúc 17 giờ. Tuyến đường chị đảm nhiệm là khu phố Tuy An, Bạch Đằng, cổng Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh ở TP Hải Dương. Để kịp giờ làm, chị chẳng kịp ăn cơm, đành tranh thủ mua đồ ăn lót dạ. Có chị em khác lại mang theo cặp lồng cơm, khi nào đói thì mở ra ăn. Gần bước sang tuổi 50 nhưng chị Quý chưa từng được nhận quà nhân ngày 8.3 hay 20.10. "Những ngày lễ, kỷ niệm thì chúng tôi vẫn phải đi làm bình thường, không có gì đặc biệt. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân lắm", chị Quý chia sẻ.
May mắn hơn chị Quý một chút, chị Lê Thị Thơm ở cùng công ty đã từng được người đi đường tặng hoa vào dịp 8.3. Chị kể: "Cũng có lần tôi được các bạn trẻ đi qua tặng cho 1 bông hoa. Lúc ấy vui lắm". Sau mỗi dịp lễ như vậy, các chị lại chính là những người đi thu dọn các giỏ hoa lớn, nhỏ bị bỏ đi. Vất vả là thế nhưng những công nhân vệ sinh môi trường như chị Quý hay chị Thơm luôn lạc quan, yêu đời. Đối với các chị, niềm vui đơn giản chỉ là người dân có ý thức hơn trong giữ vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.
Mặc dù vẫn phải làm việc vất vả vào Ngày Quốc tế phụ nữ 8.3 nhưng chị Trần Thị Quý vẫn luôn vui vẻ
Đều đặn từ 4 giờ 30 sáng các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần, bà Đoàn Thị Tín, 63 tuổi, thành viên tổ thu gom rác của thôn Cổ Pháp, xã Cộng Hòa (Nam Sách) làm nhiệm vụ thu dọn rác. Từ những ngày đầu phải đeo mấy lớp khẩu trang để đỡ chóng mặt vì mùi rác, đến nay, bà Tín đã làm công việc này được 14 năm.
Công việc quá vất vả, nhiều người trong tổ thu gom rác của thôn đã dần nghỉ hết, còn bà Tín vẫn kiên trì, âm thầm làm việc. Ngày 8.3 năm nay vào thứ 4, với bà vẫn là lịch đi thu gom rác. Bà bảo phụ nữ nông thôn chẳng bao giờ để ý đến những ngày như vậy. Bà vẫn sẽ dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị công việc của mình và trở về nhà khi đã quá trưa. "Có năm tôi cũng được xã cho cái khăn tay, còn hồi mới cưới thì chồng tặng tôi cái lược. Nhưng tôi thấy lãng phí, không cần thiết nên từ đó là thôi. Tôi cũng chẳng để ý đến những ngày đó", bà Tín nói.
Ngày mùng 8/3 của những nữ công nhân vệ sinh môi trường cứ diễn ra như vậy đến tận khuya. Cuối ngày, họ tập trung các xe rác lại và chờ xe thùng đến vận chuyển đi. "Xong việc thì cũng hết ngày. Chúng tôi quen rồi, ngày lễ, ngày Tết đều như vậy. Không thể xin nghỉ mà đi chơi được, vì nếu nghỉ không có người làm thay là rác lại ứ đọng, ngập hết vỉa hè đường phố, người dân họ lại ý kiến” – một nữ công nhân môi trường chia sẻ.
Ngày 8/3 là ngày cả thế giới tôn vinh những người phụ nữ. Dù khó khăn, vất vả, dù còn thiếu cả những món quà vật chất, tinh thần, nhiều nữ công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài lao động, lặng thầm đóng góp những việc làm ý nghĩa cho đời.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.