moitruongplus Làng Then, xã Thái Đào nằm cách trung tâm huyện Lạng Giang (Bắc Giang) khoảng 11 km về phía Nam, cách Trung tâm TP Bắc Giang khoảng 5 km về phía Đông Bắc. Làng Then bình dị như bao ngôi làng của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
Toàn cảnh làng Then, xã Thái Đào huyện Lạng Giang ( Bắc Giang) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Ngọc Sơn
Làng Then, xã Thái Đào là một làng quê nhỏ bé heo hút thuộc huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang từ lâu đã nổi tiếng là "làng vĩ cầm”. Từ nửa thế kỷ nay, dưới sự dẫn dắt của cụ Nguyễn Văn Đưa, làng Then không lúc nào dứt tiếng vĩ cầm.
Một cây đàn phương Tây sang trọng và khác xa với truyền thống âm nhạc Việt, vậy mà có mặt ở đây, rồi trở nên gần gũi thân thương với dân làng, trở thành niềm tự hào của họ. Đó là điều mà bất cứ ai cũng ngạc nhiên.
Đội vĩ cầm nhí làng Then, xã Thái Đào, Lạng Giang, Bắc Giang. Ảnh Đỗ Thành Nam
Theo lời mời của một người làng Then - TS. Giáp Văn Dương ( ĐH. Liverpool, Anh quốc) – chúng tôi về thăm làng Then trong một chiều đông nhạt nắng, khi những cánh đồng lúa chín vàng ươm sắp đến mùa gặt, và đã cảm nhận được không gian ấm áp của một làng quê rất đỗi thân gần.
Về thăm làng, hỏi chuyện các cụ già mới biết làng Then chính là quê của nhiều diễn viên, nhạc công nổi tiếng như hai ông Đạo diễn, NSND. Bùi Đắc Sừ và Hà Quốc Minh (nguyên Giám đốc và đương kim Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), nhạc sĩ Trần Vinh (Nhà hát Chèo Việt Nam)…
Ông Hà Văn Chính, làng Then chơi đàn violon bên các cháu trong gia đình Ảnh: Trần Ngọc Sơn
Người già trong làng kể rằng xưa vào mỗi dịp hội xuân, làng mời một gánh tuồng về diễn mấy đêm liền, lại còn mời cả giáo phường ca trù về hát thờ trước cửa đình.
Hát cửa đình không thể không có bài Thét nhạc cổ kính trang nghiêm với những lời hát: Tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng tai nghe tiếng nhạc Thiều tâu/ Vẳng nghe chuông gióng lâu lâu lại dừng…Sau khi hát ở đình, các quan viên chức sắc trong làng còn đón các cô đầu về hát chơi trong nhà, tiếng "tom, chát” rộn suốt những đêm hội mùa xuân.
Khi về thăm làng Then, tôi cố gắng tìm xem điều gì khiến cho làng quê này trở thành một làng âm nhạc như thế. Phải tìm tự nguồn gốc tìm đi. Hỏi các cụ già nhất trong làng thì chỉ biết làng có đón các gánh tuồng và ả đào về hát vậy thôi.
Nhưng khi tôi vào đến đình làng Then thì mới thật sững sờ! Đây, bức hoành phi và đôi câu đối nét vàng son còn chói lọi mà thông điệp trên đó ý chừng là để nói với cả Thần và người, không chỉ người làng Then mà cả người thiên hạ nữa!
Bức hoành phi của làng có mấy chữ: "Chung hòa thả bình”. Đây là bốn chữ rút trong bài thơ Phạt mộc, phần Tiểu Nhã của Kinh Thi. Nguyên cả đoạn thơ ấy là "Thần chi! Thính chi. Chung hòa thả bình”, nghĩa là: Hỡi thần! hãy lắng nghe khúc nhạc này! Rồi cho được hòa vui yên ổn.
Ảnh NXD
Đôi câu đối như sau: "Đình trung như Thuấn nhạc. Bệ thượng nhược Nghiêu tôn”, nghĩa là: Nhạc vang lên trong đình này như nhạc Thiều của vua Thuấn. Lòng tôn kính Thần trên bệ kia chẳng khác dân thờ vua Nghiêu. Xem thế đủ biết thành hoàng làng Then chuộng cổ nhạc như thế nào!
Thuấn và Nghiêu là hai ông vua đời cổ xưa ở Trung Hoa. Và thời đại của vua Nghiêu vua Thuấn là thời đại cực thịnh, muôn dân đều được hòa vui no đủ, trở thành niềm mong ước của tất cả các đời đế vương sau này. Vua Thuấn có sáng tác khúc nhạc Thiều, được Đức Khổng Tử khen là "tận thiện, tận mỹ”. Nhạc Thiều là điệu nhạc của đời thịnh trị.
Vậy là dân làng Then đã dâng cúng lên thần thành hoàng làng khúc nhạc dịu êm thanh bình và mong thần phù trợ cho được hòa vui, yên ổn. Và khúc nhạc đó được ví như nhạc Thiều của vua Thuấn. Với đôi câu đối thờ trong đình, người dân làng Then xưa vừa thể hiện niềm tôn kính với thành hoàng làng, vừa ca ngợi cuộc sống thanh bình no đủ, vừa tự hào với những khúc nhạc thành kính nơi đình trung.
Về làng Then nghe khúc nhạc Thiều
Đón chúng tôi tại đình là các cụ ông cụ bà và đông đảo dân làng, và cả một dàn nhạc vĩ cầm. Sau khi nghe giải thích về đôi câu đối thờ của tiền nhân để lại, và biết rằng không phải ngẫu nhiên mà làng Then lại có truyền thống âm nhạc như vậy, dân làng mừng lắm. Sau lời phát biểu của cụ Nguyễn Văn Đưa (78 tuổi) và ông đội trưởng đội vĩ cầm Nguyễn Quang Khoa là phần trình tấu của đội vĩ cầm làng Then.
Dàn nhạc violon làng Then, xã Thái Đào hòa tấu. Ảnh: Trần Ngọc Sơn
Trên bục cao, những bản tổng phổ được mở ra, các nghệ sĩ làng quê đã trình bày bốn bản nhạc: Du kích sông Thao, Dòng Đa-nuýp xanh, Trống cơm và Bóng cây Kơ –nia. Bữa tiệc âm nhạc làng Then đãi khách lại cũng không chỉ có dàn nhạc vĩ cầm. Người làng Then còn hát quan họ, hát chèo lời cổ rất lề lối với lòng mến khách hiếm có!
Nhạc sĩ Phạm Chỉnh (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin Hà Nội) cho biết, ông rất bất ngờ khi thấy những người nông dân làng Then đọc được tổng phổ, và cho dù tiếng đàn chưa thực sự chuyên nghiệp nhưng cách chơi đã rất chuyên nghiệp. Những người dân làng Then thực sự là những nghệ sỹ rất có phong cách và đầy tính ngẫu hứng.
GS. Lê Văn Cường (ĐH. Paris 1, Pháp) tranh thủ dịp về dự hội thảo ở Việt Nam, ghé thăm làng Then cho biết, ông đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng chưa thấy có một làng nào yêu nhạc và có một dàn nhạc độc đáo như làng Then.
Tôi chỉ mỉm cười đứng nép đằng sau các vị ấy, vì cho rằng làng Then được vậy là bởi ông thành hoàng làng Then thích nhạc. Mong sao tiếng nhạc Thiều ấy ngàn đời ở mãi với làng Then thanh bình no đủ!
Làng Then có khoảng 1500 nhân khẩu với 362 hộ gia đình. Ban ngày, người nông dân làng Then chất phác, luôn bận rộn, tất bật, chân lấm tay bùn với ruộng đồng một nắng, hai sương, chủ yếu trồng các loại: Lúa nước; trồng hành; hoa Lay ơn và hoa Loa kèn phục vụ thị trường mang vẻ đẹp, hương sắc cho đời thêm vui tươi.
Họ đến với cây vĩ cầm, một loại nhạc cụ thuộc về âm nhạc hàn lâm, thường sử dụng trong các dàn nhạc giao hưởng. Từ thế kỷ trước, với lòng đam mê tâm huyết, học nhạc truyền tay, hướng dẫn thực tế, tỉ mỉ trực tiếp trên cây đàn. Trải qua năm tháng khổ luyện, dần quen, họ lại dần trở thành những nghệ sĩ thực thụ của làng.
Một tuần, vào 2 buổi tối thứ hai và thứ sáu, Câu lạc bộ đàn violon làng Then, xã Thái Đào có mặt đầy đủ để luyện tập vào lúc 20 giờ tại Nhà văn hóa Đình, để luyện đàn và giao lưu trò chuyện sau một ngày lao động vất vả trên đồng ruộng, để được thả hồn theo giai điệu du dương, từ cây violon, dưới những đôi bàn tay khéo léo.
Đôi bàn tay ban ngày còn cầm cuốc, cầm cày, làm đất trồng lúa, trồng hoa và rau màu. Đến giờ luyện tập, những ngón tay lại nhịp nhàng, nẩy dẻo bấm những nốt nhạc chính xác trên cần đàn, nẩy nên những âm thanh réo rắt, du dương vang vọng tới mỗi gia đình ở làng Then cùng thưởng thức. Lúc này mỗi nông dân đang đam mê hóa thân thành mỗi "nghệ sĩ”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.