moitruongplus Nhiều năm nay, bãi rác xã Gào (TP Pleiku) trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân nơi đây bởi không những gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt và sản xuất của bà con.
Kêu trời cũng chẳng thấu!
Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh tình trạng nước thải từ bãi rác nói trên có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, phát sinh nhiều ruồi muỗi… Trên mặt nước nhiều vị trí trong khu vực bãi rác, nổi bọt trắng chảy trực tiếp ra môi trường xung quanh mà không được thu gom, xử lý qua các hồ sinh học.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng công bố trước đó, nước thải (nước rỉ rác) được thu gom xử lý bằng 03 hồ sinh học (hồ kỵ khí dung tích khoảng 3.000 m3; hồ hiếu khí tùy tiện dung tích khoảng 4.000 m3. Bãi lọc sinh học dung tích khoảng 8.000 m3).
Hiện bãi rác này tiếp nhận khoảng 165 tấn rác/ngày để chôn lấp, công trình đang được Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai quản lý điều hành.
Có mặt tại con đường Hồ Chí Minh (đường tránh Pleiku) đoạn qua xã Gào (TP Pleiku) chúng tôi được chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng của bãi rác xã Gào. Đi sâu vào bên trong, PV không khỏi bàng hoàng khi nhận thấy, nhiều đoạn mương nước thải từ bên trong bãi rác cứ thế chảy thẳng ra hồ sinh học số 3 (bãi lọc sinh học) mà không được thu gom lại để chảy vào hồ số 1 theo như quy trình xử lý nước thải.
Nước thải tại đây có màu đỏ thẫm, bốc mùi hôi thối và nổi bọt trắng xóa.
Tại khu vực hồ số 3 đơn vị quản lý, điều hành bãi rác cho lắp một ống cống có đường kính 50cm dài khoảng 3m, để nước thải từ hồ số 3 chảy thẳng ra môi trường bên ngoài. Trên mặt hồ đầy rác, nước thải tại đây có màu đen kịt, nổi bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối.
Dòng nước thải từ cống của hồ số 3 cứ thế chảy "róc rách” ra mương thoát nước tại khu vực cống thoát đấu nối ngang đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Gào, và đổ vào cống nước dân sinh gần đó. Lượng nước này đổ toàn bộ vào một dòng suối nhỏ, nơi có nhiều diện tích, cà phê, lúa nước đang được hàng chục hộ nông dân gần đây trồng.
Nhiều đoạn nước thải từ bên trong bãi rác được khơi dòng nên nước thải cứ thế chảy thẳng ra hồ sinh học số 3 (bãi lọc sinh học) mà không được thu gom lại để chảy vào hồ số 1 theo như quy trình.
Gần 7 năm qua, gia đình bà Nguyễn Thị An bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ bãi rác xã Gào.
Bà Nguyễn Thị An là người dân sống cách bãi rác khoảng 200m bức xúc cho biết: Từ khi bãi rác xã Gào được xây dựng cho đến nay, gia đình và nhiều người dân nơi đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Những hôm trời nắng nóng thì mùi hôi thối từ bãi rác bay vào nhà, nhiều khi ngồi ăn bát cơm cũng không nuốt nổi vì ruồi, muỗi, nhặng bay khắp nhà.
Những ngày mưa, nước thải có màu đen kịt, nổi bọt màu trắng xóa cứ thế chảy hết ra con suối cạnh nhà, có những hôm cả con suối nơi đây đều nổi lên một màu trắng xóa. Gia đình có đào một giếng nước độ sâu khoảng 15m, tuy nhiên cũng không dám sử dụng nước này cho việc sinh hoạt bởi nguồn nước này có thể bị ảnh hưởng do nước thải từ bãi rác ngấm vào đất.
Nước giếng chỉ dùng vào mục đích giặt giũ, rửa chén, bát, vì lo sợ nguồn nước của giếng bị ô nhiễm nên nhiều năm nay, tôi phải mua bình nước khoáng 20l để sử dụng.
"Người dân nơi đây mong muốn cơ quan chức năng sớm đầu tư một nhà máy xử lý rác thải khép kín chứ không phải xử lý rác thủ công như hiện nay”, bà An cho biết.
Từ bãi lọc sinh học thành hồ chứa rác.
Cùng chung nỗi bức xúc như trên, ông C.V.H. cho biết: Gia đình có khoảng 3ha đất trồng cà phê, chanh leo, từ xưa đến giờ toàn sử dụng nước của con suối bên cạnh nhà để tưới.
Tuy nhiên, khoảng 7 năm trở lại đây nước suối tại đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước lúc nào cũng là một màu đen kịt, nổi bọt trắng xóa, người dân dùng nước này để tưới cây, sau đó năng suất của các loại cây bị giảm xuống rõ rệt, phần nữa là bị héo, chết ngọn cây. Gia đình thấy thế nên phải bỏ ra vài chục triệu để khoang giếng lấy nước.
"Tại nhiều cuộc họp dân, tiếp xúc cử tri, người dân chúng tôi đã có ý kiến đề nghị chính quyền địa phương và cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm tại bãi rác này nhưng các ý kiến chỉ được ghi nhận chứ không thấy có biện pháp xử lý dứt điểm nào” ông H. chia sẻ.
Đơn vị vận hành bãi rác cho lắp đặt một ống cống để đưa nước thải từ hồ số 3 chảy ra bên ngoài.
Ai chịu trách nhiệm cho việc ô nhiễm tại bãi rác xã Gào?
Bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Gào, TP Pleiku được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010, mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Bãi chôn rác này xây dựng trên diện tích khoảng 10ha với quy mô khép kín. Theo cam kết, nước thải sau xử lý đạt nước thải loại B có thể tưới cây, thời gian sử dụng từ 9 -10 năm. Hiện bãi rác này tiếp nhận khoảng 165 tấn rác/ngày để chôn lấp. Công trình đang được Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai quản lý điều hành.
Liên quan đến sự việc trên, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng tải loạt 9 bài viết nhằm phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác thải xã Gào (TP Pleiku).
Những biện pháp mà Sở TN&MT nêu chỉ mang tính chung chung, qua loa mà không có biện pháp hay quy trình để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm tại đây.
Tại Văn bản số 4364/STNMT-CCBVMT ngày 19/10/2021 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai gửi VPĐD MT&ĐT khu vực Tây Nguyên "V/v phản hồi nội dung thông tin tác nghiệp” trong đó có đoạn "Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Bãi chôn lấp chất thải rắn tại xã Gào, Sở TN&MT và UBND TP Pleiku đã chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai triển khai thực hiện một số nội dung: Thường xuyên khơi thông cống rãnh, củng cố hệ thống mương thoát nước mưa xung quanh bãi rác, đảm bảo tiêu thoát nước tốt, hạn chế tối đa nước mưa chảy tràn vào các ô chôn lấp dẫn tới quá tải hệ thống xử lý nước thải.
Thu gom toàn bộ nước rỉ rác dẫn về hồ số 1 (Hồ kỵ khí) để xử lý theo quy trình (Xử lý bằng 03 hồ sinh học: Qua hồ kỵ khí, hồ hiếu khí tùy tiện và bãi lọc sinh học)”. Những biện pháp mà Sở TN&MT nêu trên chỉ mang tính chung chung, qua loa mà không có biện pháp hay quy trình để xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm tại đây.
Nước thải chảy ra môi trường bên ngoài có màu đen kịt, nổi bọt trắng và bốc mùi hôi thối, dòng nước thải này cứ thế chảy vào con suối, nơi có nhiều hộ dân sống gần đó.
Thậm chí, cơ quan chức năng chỉ đạo Công ty cổ phần Công trình đô thị Gia Lai (đơn vị quản lý, vận hành bãi rác) thu gom toàn bộ nước rỉ rác dẫn về hồ số 1 (Hồ kỵ khí) để xử lý theo quy trình (Xử lý bằng 03 hồ sinh học: Qua hồ kỵ khí, hồ hiếu khí tùy tiện và bãi lọc sinh học).
Tuy nhiên thay vào đó, đơn vị này lại "cả gan” không xử lý nước thải theo quy trình mà cơ quan chức năng yêu cầu mà lại khơi dòng nước thải từ bãi rác cho chảy trực tiếp vào hồ số 3. Ngoài ra, đơn vị này còn cho lắp đặt một ống cống để đưa nước thải từ hồ số 3 chảy ra bên ngoài, lượng nước thải này cứ thế chảy vào con suối, nơi có nhiều hộ dân sống gần đó.
Nguồn nước tại đây có bị ô nhiễm hay không thì phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá nhưng người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ngay lúc này đây chính là những người dân sinh sống xung quanh bãi rác.
Vấn đề được đặt ra: Việc ô nhiễm tại bãi rác xã Gào đã xảy ra từ nhiều năm trước và đã được MT&ĐT phản ánh tình trạng này, thế nhưng cơ quan chức năng vẫn không có biện pháp xử lý dứt điểm và áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với tình trạng ô nhiễm tại bãi rác xã Gào. Liệu có sự bao che trong việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại đây hay không? Và tình trạng ô nhiễm nêu trên trong nhiều năm qua, tổ chức, cá nhân nào chịu trách nhiệm?
Đề nghị UBND tỉnh Gia Lai nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra. Đồng thời cần làm rõ và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể khi liên tục để tái diễn tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.