moitruongplus Một bãi rác rộng hàng nghìn m2 không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, và nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp trái phép… đây là những vấn đề đang tồn tại ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên
Người dân xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng bức xúc cho biết, từ nhiều năm nay họ phải sống chung với mùi hôi thối do bãi rác tại làng Mai, xã Liên Khê gây ra. Bãi rác này đã tồn tại nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ. Không những thế, tại xã Liên Khê đang diễn ra tình trạng người dân tự ý san lấp đất trồng lúa, hủy hoại hàng chục nghìn m² đất canh tác nông nghiệp mà không bị chính quyền phát hiện xử lý.
Bãi rác rộng hàng nghìn m², không có hệ thống xử lý, thu gom nước thải, gây ô nhiễm môi trường tại làng Mai, xã Liên Khê.
Anh N.V.K. - người dân xã Liên Khê, cho biết: Bãi rác làng Mai trước đây là bãi rác tạm, hiện giờ là điểm tập kết rác, về nguyên tắc là rác thải sau khi được tập kết tại đây sẽ phải chuyển đi xử lý, phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải bề mặt, phun thuốc khử trùng, diệt vi khẩn đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng thực tế, tại khu vực này đang tồn tại lượng lớn rác thải chất thành nhiều đống lớn, bốc mùi hôi thối nồng nặc bay thẳng vào khu dân cư, làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của người dân, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây bức xúc dư luận.
Ngoài việc tồn tại bãi rác nêu trên, hiện nay trên địa bàn xã Liên Khê còn diễn ra tình trạng san lấp trái phép hàng nghìn m2 đất trồng lúa, sau đó "phù phép" xây nhà ở, cửa hàng, kho bãi...
Hàng nghìn m² đất ruộng bị san lấp trái phép.
Để có thông tin chính xác, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại làng Mai, xã Liên Khê để ghi nhận sự việc. Theo quan sát, một bãi rác được bố trí giữa hai hẻm núi với diện tích lên đến hàng nghìn m², rác thải được tập kết đầy bãi, phát tán mùi hôi thối nồng nặc, ruồi nhặng rất nhiều, đáng nói bãi rác này không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Ngoài ra, ở làng Mai, làng Quỳ, làng Điểu đều thuộc xã Liên Khê có rất nhiều diện tích đất trồng lúa được người dân tự ý san lấp, diện tích từ vài trăm m² cho đến vài nghìn m². Một số vị trí sau khi được san lấp đã được xây nhà ở, xây cửa hàng kinh doanh.
Người dân xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích đất nông nghiệp.
Sau khi ghi nhận sự việc trên, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Liên Khê. Ông Hùng cho biết, hiện nay bãi rác không còn hoạt động, rác ở bãi là có từ những năm trước chờ vận chuyển đi nơi khác.
Về tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn xã, ông Hùng lý giải rằng, đấy là người dân chuyển đổi cây trồng từ trồng lúa sang trồng chuối?!
Diện tích đất trồng lúa trở thành "ruộng cát” nước lợ, làm hủy hoại đất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng của người dân.
Tuy nhiên, khi PV làm việc với ông Trịnh Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Liên Khê, thì lại nhận được thông tin trái ngược hoàn toàn. Ông Thắng cho biết, bãi rác tại làng Mai trước đây là bãi rác tạm, đã dừng hoạt động từ năm 2020, bây giờ chỉ là bãi tập kết ban đầu sau đó công ty môi trường đến chuyển đi ngay. Hiện tại, bãi rác cũ xã vẫn đang tiếp tục xử lý.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trịnh Văn Thắng thừa nhận việc chuyển đổi cây trồng là theo chủ trương chính sách của nhà nước, nhưng người dân san lấp mặt bằng là sai, trước đây xã đã xử lý vài trường hợp san lấp mặt bằng trái phép. Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận hồ sơ những trường hợp vi phạm trên thì ông Thắng lại lảng tránh sang việc khác.
Trước thực trạng trên, người dân xã Liên Khê rất mong chính quyền cần quyết liệt xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác tại làng Mai gây ra, sớm trả lại môi trường trong lành cho người dân, tránh phát sinh dịch bệnh từ bãi rác này.
Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị chính quyền huyện Thủy Nguyên xem xét, xử lý tình trạng người dân tự ý san lấp làm phá vỡ mặt bằng canh tác đất nông nghiệp diễn ra trong thời gian qua tại xã Liên Khê./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.