moitruongplus Khảo sát sáu mẫu muối gia vị được bán tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu phát hiện cả sáu mẫu đều bị nhiễm vi nhựa.
100% mẫu muối gia vị được kiểm định ở Hà Nội qua một khảo sát ngẫu nhiên đều nhiễm hạt vi nhựa. Và có lẽ kiểm nghiệm tại bất kỳ thành phố lớn của nước ta cũng có khả năng cho kết quả tương tự.
Nghiên cứu "Bước đầu khảo sát ô nhiễm vi nhựa trong một số mẫu muối gia vị thu mua tại TP Hà Nội” mới đây phát hiện sự hiện diện của các vi nhựa ô nhiễm trong một số sản phẩm muối gia vị.
Nghiên cứu do nhóm các tác giả thuộc Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Trường đại học Điện lực, Viện Công nghệ môi trường, Trường đại học Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia, Trường đại học Quảng Bình thực hiện và được đăng tải trên tạp chí Kiểm Nghiệm Và An Toàn Thực Phẩm.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy các vi nhựa ô nhiễm trong 6/6 sản phẩm muối gia vị được lấy mẫu. Hàm lượng vi nhựa trong các mẫu muối gia vị dao động 320 - 1.880 vi nhựa/kg muối gia vị.
Các mẫu muối được thu mua tại Hà Nội trong tháng 2-2022 là các mẫu bột canh i ốt (thành phần muối i ốt, chất điều vị, đường, tỏi, tiêu, muối có màu trắng); muối sấy (thành phần muối, tỏi, ớt bột ngọt, đường cát, muối có màu nâu đậm); muối tinh (muối biển tự nhiên, màu trắng, nghiền nhỏ); muối gia vị chấm (thành phần có muối, đường, ớt tỏi, tiêu, chất điều chỉnh độ a xít, màu nâu nhạt); muối tinh sạch chất lượng cao (không nhãn hiệu, là muối trắng thô, nguyên hạt) và muối trộn thủ công (không nhãn hiệu, thành phần muối, bột, ớt, hạt tiêu, màu nâu đậm).
Nhóm nghiên cứu cũng cho biết dạng vi nhựa có hình sợi dài là chủ yếu (chiếm 99%); dạng mảnh chiếm tỉ lệ không đáng kể (1%). Các vi nhựa thu thập được có nhiều màu sắc khác nhau, trong đó màu xanh da trời, đỏ và đen là chủ yếu. Ngoài ra có các vi nhựa có màu tím, vàng, xanh lá, xám.
Theo các nghiên cứu trước đây, hàm lượng vi nhựa trong một số mẫu muối trên thế giới dao động từ 10 đến > 1.000 vi nhựa/kg và có sự khác biệt đáng kể.
Theo nhóm nghiên cứu, đây mới là khảo sát bước đầu do mẫu muối sử dụng còn hạn chế (6 mẫu). Vì vậy, cần triển khai mở rộng khảo sát với số lượng và đa dạng hơn về chủng loại nhằm đánh giá toàn diện hơn về ô nhiễm vi nhựa trong muối gia vị hiện nay.
Ước tính mỗi năm 1 người ăn khoảng 50 nghìn hạt vi nhựa
Không chỉ muối, rất nhiều thực phẩm khác cũng có thể có các hạt vi nhựa - TS Hoàng Thị Minh Nguyệt, giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết.
"Theo các nghiên cứu gần đây trên 15 nhãn hiệu muối biển khác nhau phát hiện có tới 600 hạt vi nhựa/kg muối biển. Người ta cũng phát hiện ra có khoảng 660 sợi vi nhựa/kg mật ong và hơn 100 mảnh nhựa/lít bia. Theo các nhà khoa học thì hải sản có nồng độ vi nhựa cao nhất trong chuỗi thức ăn vì các hạt vi nhựa này đặc biệt phổ biến trong nước biển. Cá và sinh vật biển nhầm lẫn hạt vi nhựa là thức ăn dẫn đến việc tích tụ các chất độc hại nhiều trong gan. Uớc tính mỗi năm 1 người lớn ăn khoảng 50 nghìn hạt vi nhựa còn trẻ em ăn khoảng 40 nghìn hạt.”
Khi con người ăn những loại thực phẩm kể trên vô tình đã tiêu thụ một cách bị động một lượng lớn các hạt vi nhựa vào trong cơ thể. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa trong sinh hoạt, ăn uống hàng ngày cũng cách đưa các hạt vi nhựa vào trong cơ thể.
Hạt vi nhựa là những mảnh nhựa có đường kính nhỏ hơn 5mm, được hình thành từ sự mài mòn của các mảnh nhựa lớn được thải ra môi trường. Mỗi năm ước tính có khoảng 8,8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển và đây chính là nguồn phát tán khủng khiếp các hạt vi nhựa ra môi trường biển và không khí. Vô hình chung những hạt vi nhựa này xâm nhiễm vào các loại động, thực vật sống xung quanh.
Từ năm 1990 trở lại đây khi hạt vi nhựa được thay thế các nguyên liệt tự nhiên để sản xuất ra rất nhiều vật dụng hàng ngày như hộp nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, bình sữa cho trẻ em, sữa rửa mặt, kem đánh răng, ….đều chứa hạt vi nhựa tương đối lớn. Thói quen hàng ngày của chúng ta khiến vô tình dung nạp các hạt vi nhựa vào ví dụ 1 chai nước chứa từ 2 - 44 hạt vi nhựa/lit. Tuy nhiên nếu chúng ta tái sử dụng chai đó cho những lần tiếp theo thì có thể chứa từ 28-241 hạt vi nhựa/lít…”
Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh sự tồn tại của các hạt vi nhựa trong nội tạng của con người, thậm chí là ở màng ối và nhau thai. Mới đây nhất chính là sự phát hiện hạt vi nhựa có trong máu người. Mặc dù chưa có nghiên cứu cụ thể về tác hại của hạt vi nhựa khi tồn tại trong cơ thể người, tuy nhiên những nguy cơ tiềm ẩn là không thể phủ nhận.
"Hạt vi nhựa khi vào cơ thể có thể mang theo các hóa chất độc hại và mầm bệnh vào cơ thể con người. Các nghiên cứu thực hiện cho thấy rằng khi chuột ăn phải hạt vi nhựa thì các hạt nhựa sẽ tích tụ trong gan, trong ruột của chúng. Các hạt này cũng sẽ đi từ ruột vào máu và có khả năng đi vào các cơ quan khác. Hạt vi nhựa khi bị phân hủy thì sẽ có các thành phần ảnh hưởng rất lớn đến hooc-môn sinh sản ở phụ nữ ví dụ như Bisphenol A hoặc là Phthalate – hóa chất được dùng làm nhựa dẻo được chứng minh là có nguy cơ làm tăng sự phát triển của các tế bào ung thư vú".
Giảm sản xuất và giảm sử dụng nhựa là cách bảo vệ chính chúng ta
Các hạt vi nhựa không phải là vấn đề mới theo chương trình môi trường của Liên hợp quốc thì từ năm 2012 đã được quan tâm đến. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn tương đối ít người biết đến và hàng triệu người tiêu dùng chưa nhận thức được tác hại của các hạt vi nhựa có trong các sản phẩm ở trên thị trường.
Tháng 8 năm 2020, nhóm chuyên gia tại Mỹ đã phát hiện hạt vi nhựa có trong các mẫu phổi, gan, lá lách và thận trên các bệnh nhân ở quốc gia này. Cuối năm 2020 một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environment International cũng đã ghi nhận sự tồn tại của các hạt vi nhựa ở mặt trong khoang ối lẫn màng đệm của nhau thai.
Trên thực tế việc ngăn chặn sự tiếp xúc rất với các hạt vi nhựa là rất khó khăn do đó việc giảm sản xuất, giảm sử dụng là cách chính để bảo vệ chúng ta và chống ô nhiễm môi trường - TS Hoàng Thị Minh Nguyệt khuyến cáo.
"Hạn chế sử dụng vật dụng bằng nhựa, hạn chế dùng nước đóng chai và các thực phẩm ăn sẵn đựng trong các cốc nhựa hay hộp xốp là cách đơn giản và hiệu quả giúp con người giảm tối đa việc tiêu thụ các hạt vi nhựa vào trong cơ thể. Đồng thời đây cũng là cách ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra môi trường./.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội, ông Lê Hồng Sơn, vừa ký Công văn số 3061/UBND-NC yêu cầu khắc phục 30 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.
Sau loạt bài phản ảnh của Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng ô nhiễm môi trường tại cơ sở tái chế phế liệu nhựa tại 2/47/11 Phan Văn Bảy, Ấp 1, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè gây ra, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè đã chỉ đạo buộc di dời.
Hiện nay, tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đang tồn tại rất nhiều bất cập trong việc mua và sử dụng thùng đựng rác 3 ngăn để phục vụ cho việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.
Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.
Ngày 16/9, Bộ Y tế Sudan cho biết nước này đã ghi nhận hơn 9.500 ca mắc bệnh tả, trong đó có 315 ca tử vong.
Công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra đang được tỉnh Quảng Ninh thực hiện quyết liệt, tích cực, kịp thời, từng bước khôi phục lại sản xuất và đời sống nhân dân.