moitruongplus Mặc dù chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai, môi trường nhưng trạm trộn bê tông Bến Hiệp ở xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm nghiêm trọng

Thời gian gần đây, cuộc sống của người dân ở Thôn An Hiệp, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình luôn phải chung sống với khói bụi, ô nhiễm, và tiếng ồn từ hoạt động của trạm trộn bê tông của Công ty Bê tông Bến Hiệp.

Để tìm hiểu sự việc, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực bến bãi nằm giáp chân Cầu Hiệp, xã Quỳnh Giao. Ghi nhận thực tế cho thấy, trạm trộn bê tông Bến Hiệp được lắp đặt, xây dựng với quy mô lớn trên diện tích hơn 7.000m2 với tường rào bao quanh. Nằm ngay lối vào bên tay phải là một khu nhà điều hành, hiện tại hoạt động sản xuất đang diễn ra rầm rộ.

Khu nhà điều hành trạm bê tông Bến Hiệp được xây dựng trái phép

Theo quan sát của PV, chỉ chưa đầy 30 phút, có đến hàng chục lượt xe tải chở vật liệu, xe bồn chở bê tông nối đuôi nhau nườm nượp ra vào bến bãi khiến cả khu vực náo loạn bởi tiếng ồn, khói bụi mù mịt gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Việc đoàn xe này di chuyển qua tuyến đường đông dân cư nhưng không có dấu hiệu giảm tốc độ khiến cho người tham gia giao thông nhiều phen hoảng sợ, nhiều người phải dừng lại đứng nép sát vào lề đường để tránh tai nạn nguy hiểm đang rình rập.

Trao đổi với PV, bà Trần Thị L, người dân sống tại khu vực trạm bê tông bức xúc cho biết: Việc trạm bê tông Bến Hiệp hoạt động liên tục không kể thời gian, có khi làm cả đến đêm muộn. Quá trình này đã tạo bụi bay mù mịt, khiến nhiều gia đình sống quanh không dám mở cửa, đặc biệt tiếng ồn từ các máy móc phát ra rất chát chúa, rất khó chịu. Ngoài ra, đoàn xe tải, xe bồn của trạm bê tông này chạy liên tục đã khiến tuyến đường đê bị xuống cấp nghiêm trọng.

Việc trạm bê tông Bến Hiệp hoạt động đã đầy đủ thủ tục về đất đai, môi trường hay chưa cũng là vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm. Để làm rõ nội dung này, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Thiệu - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Giao.

Tại buổi làm việc, ông Thiệu cho biết: Trạm bê tông của Công ty Bê tông Bến Hiệp hoạt động trên địa bàn đã được hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ về đất đai, xây dựng và môi trường.

Trả lời câu hỏi, việc trạm bê tông Bến Hiệp hoạt động khi chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý thì chính quyền đã có biện pháp gì ngăn chặn, xử lý? Ông Nguyễn Đình Thiệu cho biết: Xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Quỳnh Phụ xuống kiểm tra, và đã xử phạt theo thẩm quyền đối với công ty này số tiền 5 triệu đồng.

Cũng theo ông Thiệu, vụ việc xã đã gửi báo cáo lên huyện và UBND huyện Quỳnh Phụ cũng đã xuống kiểm tra, đồng thời ra quyết định xử phạt trạm bê tông này 10 triệu đồng.

Trong một diễn biến khác, để làm rõ vai trò quản lý nhà nước trong vụ việc trên của chính quyền huyện Quỳnh Phụ, PV đã có buổi làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳnh Phụ. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận thông tin từ PV về việc trạm bê tông Bến Hiệp hoạt động không phép, thì đại diện cả 2 đơn vị này đều tỏ ra bất ngờ. Thậm chí đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã phải liên hệ với lãnh đạo xã Quỳnh Giao để xác minh lại thông tin PV cung cấp.

Trạm bê tông Bến Hiệp được xây dựng, lắp đặt trái phép và hoạt động chui gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận bức xúc

Việc trạm bê tông Bến Hiệp hoạt động không phép trong cả một thời gian dài nhưng các phòng, ban chuyên môn của huyện Quỳnh Phụ lại nắm bắt thông tin rất lơ mơ, khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của các đơn vị này. Nhiều ý kiến khác đặt nghi vấn có hay không việc phạt cho tồn tại và bao che cho vi phạm tại trạm bê tông này của các cấp chính quyền huyện Quỳnh Phụ?

Trước thực trạng trên, thiết nghĩ lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, chính quyền huyện Quỳnh Phụ cần chỉ đạo các ngành chức năng liên quan vào cuộc xử lý dứt điểm những sai phạm đã và đang diễn ra tại trạm bê tông Bến Hiệp, sớm trả lại môi trường sống trong lành như vốn có của người dân địa phương.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Theo MTĐT

Các tin khác


Công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 11 tỉnh.

Đắk Lắk: Đất tặc vẫn “lộng hành” tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, một số chủ lò gạch lợi dụng vào ban đêm ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu vực thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk đưa đất về các lò gạch làm gạch, bất chấp quy định pháp luật.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về địa chất, khoáng sản

Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW định hướng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vĩnh Phúc: Xuất hiện “Cát tặc” tại Sông Lô

Trong các ngày 22 - 23/2/2022 tại khu vực sông Lô đoạn giáp danh giữa xã An Đạo ( Phù Ninh, Phú Thọ)và xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện một số tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Lâm Đồng: Ngang nhiên “xẻ thịt” đèo Bảo Lộc để khai thác đá

Từ nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc, giữa đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tồn tại tình trạng khai thác đá. Tại đây, một số người đã dùng xe múc, xe ủi… để mở đường, làm nhà, đấu nối điện để thực hiện việc khai thác đá.

Bắc Giang tăng cường kiểm tra thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra, xử lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản.