moitruongplus "Lục bát mỗi ngày" là tập thơ thứ 8, với gần ngàn bài thơ, dày 1248 trang, được nhà thơ Đặng Vương Hưng dày công tuyển chọn trong suốt mấy chục năm qua.


Nhà thơ Đặng Vương Hưng và Nhà văn Quốc Toản trong một sự kiện văn hoá tại Hà Nội

Những năm 1980 của thế kỉ trước, tôi là giáo viên của Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Ô tô. Vào năm thứ 3 của mỗi khóa học, chúng tôi thường được nhà trường cử đi thực tế cùng với học viên tới các đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị trên biên giới phía Bắc. Đây là thời kì rất căng thẳng, đầy khó khăn gian khổ, thiếu thốn trăm bề của người lính nơi biên cương của Tổ quốc.

Ngày ấy phương tiện thông tin đâu được như bây giờ. Chúng tôi chỉ đọc báo nghe đài và hàng tháng đọc cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được phát tới cấp đại đội, đó là "món ăn” tinh thần, nuôi dưỡng lòng nhiệt huyết của người chiến sĩ.

Tôi nhớ, vào một đêm mưa rừng trong ngôi nhà tranh tre nứa lá gió thổi tứ bề, bên ngọn đèn dầu tôi lần giở từng trang Tạp chí VNQĐ ra đọc. Tôi dừng lại ở bài thơ Nỗi nhớ của Đặng Vương Hưng và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, rồi chép vào cuốn sổ (khổ 20x25) do tôi tự đóng lấy, loại giấy đen thô nháp (ngày đó không có giấy trắng như bây giờ).

Trong cuốn sổ ấy, tôi ghi chép đủ thứ nhưng chủ yếu vẫn là thơ. Trong đó có bài Nỗi nhớ (thể thơ lục bát) và bài Trước ngày về phép (thể thơ tự do) của Đặng Vương Hưng. Ngoài ra, tôi vẫn thường hay đọc và thích thơ của Đặng Vương Hưng đăng trong Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có lẽ đây là thời kỳ mà anh viết nhiều, viết khỏe, viết hay về đề tài người lính. Bởi Đặng Vương Hưng đã trực tiếp sống và chiến đấu cùng đồng đội nơi biên giới phía Bắc. Vốn sống đầy ắp và năng khiếu thiên bẩm đã cho anh có được những bài thơ chạm đến trái tim người lính.

Lý do tôi thích thơ của Đặng Vương Hưng vì nó rất gần gũi, thân thuộc với người chiến sĩ. Bởi anh cùng lăn lộn, sống chết với đồng đội mới có thể viết được những câu thơ "nói hộ tấm lòng" người lính nó mộc mạc, giản dị, xúc động và ám ảnh đến như thế. Cũng chính vì vậy mà tôi thuộc nằm lòng hai bài thơ của Đặng Vương Hưng, để mỗi lần rảnh rỗi, những lúc giải lao trên thao trường bãi tập, những lúc trèo đèo lội suối tôi hay đọc và bình thơ cho lính nghe.


Cuốn Lục bát mỗi ngày của nhà thơ Đặng Vương Hưng

Tôi không rõ nỗi nhớ của những người không phải khoác áo lính như chúng tôi thời đó sẽ như thế nào. Chúng tôi trên biên giới, những lúc im tiếng súng nhớ nhà đến kinh khủng. Nỗi nhớ không chỉ đơn thuần là nhớ mẹ, nhớ người yêu mà nhớ đến cái trái bếp trước khi trả phép chưa kịp sửa sang lại cho mẹ, chẳng còn thời gian để chờ đứa em bé nhỏ đi học về ôm nó một cái rồi lên đường. Bước chân khỏi ngôi nhà, nhìn cánh đồng làng, lên tàu rời ga là nỗi nhớ mang theo.

Thời chiến tranh, người lính mỏi mòn cùng nỗi nhớ. Chúng tôi, những người lính trẻ không hề nao núng ngày đêm cầm súng, mắt dõi cánh rừng xa để canh giữ biên cương. Nhưng vào những đêm khó ngủ, trăng sáng, mưa rơi… những người lính hồn nhiên vô tư ấy lại giấu đi những giọt nước mắt.

Bài thơ "Nỗi nhớ" của Đặng Vương Hưng với những chi tiết, những hình ảnh hết sức chân thật, cụ thể mà đầy tính chắt lọc, tầm khái quát cao. Bài thơ thật sự cảm động, là tình yêu luôn thường trực trong trái tim người lính.

Tôi nghĩ, không chỉ bài thơ Nỗi nhớ mà nhiều bài thơ anh viết vào những năm 1980 là thường viết liền mạch, không dứt cảm xúc, người bình thơ không nên "chẻ” ra để bình như những bài thơ thông thường khác. Nó mãi vẹn nguyên, dồn nén cho đến khi kết bài.

Với bài Nỗi nhớ, sau khi kể về nỗi nhớ lúc buồn vui, ước mong, lúc đêm trăng sáng, những khi khó ngủ thì người lính đều dành nỗi nhớ cho người mình yêu.

"Áo lính xanh màu lá cây
Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong..."

Để rồi đi đến câu kết thật xúc động và trọn vẹn:

Nỗi nhớ không có tuổi già
Và em thì mãi vẫn là của anh!

Có lẽ cũng bắt đầu từ Nỗi nhớ luôn thường trực trong tim người lính nơi biên cương, nên tình đồng chí đồng đội, gắn bó thương yêu nhau như anh em ruột thịt. Đó là tình cảm mộc mạc, chân thành của những người nông dân mặc áo lính, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi với những chuyện thầm kín, riêng tư nhất.

Nhiều bài thơ được Đặng Vương Hưng viết vào thời chiến tranh biên giới, kinh tế đầy khó khăn, nó vượt qua sự tầm thường của đời sống thường ngày, mà được nâng lên là lối sống và nhân cách của người chiến sĩ. Vì thế thơ Đặng Vương Hưng cứ đọng mãi trong tôi hình ảnh cao đẹp về "Anh bộ đội Cụ Hồ".

Thơ anh là những câu chuyện kể, ít lời để gợi nhiều ý, tinh lọc, cô đúc trong từng chi tiết, từng hình ảnh để vừa cụ thể, vừa giàu tính khái quát. Câu thơ chắc gọn bên ngoài, lại ẩn chứa một tâm hồn thiết tha, da diết từ bên trong. Có thể kể ra rất nhiều bài thơ về thời kì này như: Nói với con khi chưa ra đời, Đường rừng, Lại xa, Viết cho em từ biên giới vv…

Mấy chục năm qua, Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã viết hàng ngàn bài thơ lục bát cùng những loại thể thơ khác. Dĩ nhiên không phải bài nào cũng hay. Nhưng với tôi, có lẽ những bài thơ anh viết về người lính nó sâu nặng và day dứt ám ảnh người đọc hơn cả.

Đồng đội thuộc thơ Đặng Vương Hưng, đọc thơ anh những lúc vui buồn và ngay cả khi riêng tư nhất. Đó là điều vô cùng hạnh phúc đối với người cầm bút mặc áo lính.

NỖI NHỚ

Bởi vì người ở, người đi...
Mới thành nỗi nhớ có gì lạ đâu!
Ngày chúng mình chia tay nhau
Anh mang nỗi nhớ lên tàu rời ga...

Bao nhiêu ngày tháng đã qua
Chỉ riêng nỗi nhớ em là vẹn nguyên
Dẫu cho anh đến trăm miền
Thì nỗi nhớ vẫn theo liền bên anh.

Khi buồn mà nhớ đã đành
Lúc vui anh cũng để dành nhớ em
Đặt tay lên ngực mà xem
Nỗi nhớ theo nhịp quả tim lại về

Hình như em nói anh nghe
Hình như có tiếng bạn bè đâu đây
Áo lính xanh màu lá cây
Hình như nỗi nhớ ngấm đầy bên trong.

Lắm khi chỉ ước, chỉ mong
Nhìn em một thoáng thì lòng mới nguôi
Có tuần vằng vặc trăng soi
Anh vẫn ngỡ được đứng ngồi bên em

Những ngôi sao sáng nhất đêm
Anh bảo đấy là mắt em đang nhìn
Anh và đồng đội đều tin
Rằng nỗi nhớ chẳng lặng im bao giờ!

Cho em bao nhiêu trang thư
Và bao nhiêu những bài thơ anh làm
Đóng quân xa bản xa làng
Những đêm khó ngủ lại càng nhớ em...

Ước mình như những cánh chim
Cứ theo nỗi nhớ mà tìm đến nhau
Bây giờ em đang ở đâu?
Thời gian xa vắng bắc cầu cho ta

Nỗi nhớ không có tuổi già
Và em thì mãi vẫn là của anh!

"Lục bát mỗi ngày" là tập thơ thứ 8, với gần ngàn bài thơ, dày 1248 trang, được anh dày công tuyển chọn trong suốt mấy chục năm qua. Quốc Toản Sơn Tây có bài viết ghi lại vài kỷ niệm nhỏ này để chia vui, góp một tiếng lòng và vẽ một vài nét về chân dung Nhà thơ mặc áo lính Đặng Vương Hưng".

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM Dương Thanh Tùng qua đời

Lãnh đạo Đài truyền hình TP.HCM (HTV) vừa xác nhận, ông Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đã đột ngột qua đời, do nhồi máu cơ tim.

Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Ngày 22/2, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Ngô Ngọc Gia Hân sải bước đi đầu tiên trên cương vị tân Hoa hậu Miss Teen International Việt Nam

Vượt qua 34 đối thủ còn lại, thí sinh Ngô Ngọc Gia Hân đến từ trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý- Quận 7- TP.HCM đã xuất sắc đăng quang Miss Teen International Việt Nam 2021.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 chỉ tổ chức phần lễ, không tập trung đông người

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phần lễ vào 2 ngày là mùng 6 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, không tổ chức phần hội.

Bắc Giang: Khai hội Cầu Vồng Tân Yên năm 2022

Sáng 16/2, tại đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ huyện Tân Yên ,Bắc Giang, UBND huyện tổ chức khai hội Cầu Vồng năm 2022. Ông Đỗ Đức Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang dự.

SEA GAMES 31: Hướng đến mục tiêu một kỳ Đại hội xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường

Bằng những hành động thiết thực này, ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn vì một Đông Nam Á tốt đẹp hơn, mỗi người tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò, khả năng đóng góp của mình trong việc giảm ô nhiễm nhựa.