moitruongplus Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên xã Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà được UBND tỉnh phê duyệt với các hạng mục: trạm bơm nước thô, cụm xử lý nước, bể chứa nước sạch, hệ thống đường ống nước… với công suất thiết kế khoảng 3.700 m3/ngày đêm

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước tập trung liên xã Phú Ngọc, Ngọc Định và La Ngà (H.Định Quán) tỉnh Đồng Nai được khởi công từ tháng 10 - 2021.


Ảnh minh họa

Theo lãnh đạo UBND H.Định Quán, hệ thống cấp nước tập trung khi đưa vào sử dụng không chỉ bảo đảm cung cấp nguồn nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hàng chục ngàn người dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao mức sống bà con vùng nông thôn, mà còn giúp Định Quán trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo phản ảnh của người dân 3 xã, hằng năm, khi tiết trời chuẩn bị bước vào mùa khô (từ khoảng đầu tháng 12 đến tháng 5 năm sau), nguồn nước sinh hoạt tại các giếng khoan, nơi cung cấp nước duy nhất của bà con cũng bắt đầu trơ đáy. Cảnh mua bán nước sinh hoạt luôn diễn ra trong trạng thái căng thẳng, bởi nhu cầu về nước quá cao trong khi nguồn cung cấp lại ít.

Xã Phú Ngọc là một trong 3 địa phương luôn xảy ra tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô, nên khi dự án khởi công đã đáp ứng kỳ vọng của hàng ngàn hộ dân trong xã. Có khoảng 70-80% người dân trong xã phải đi mua nước để sử dụng vào những tháng mùa khô. Để tìm nguồn nước cho gia đình, những năm qua, không ít hộ dân đã tốn nhiều chi phí cho việc khoan giếng tìm nguồn nước nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch UBND xã Phú Ngọc cho biết, dự án nước sạch là mong muốn rất lớn của bà con trong xã, có nước sạch, người dân sẽ ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất. Do đó, khi dự án chính thức được triển khai hầu hết bà con đều mong muốn tiến độ thực hiện được bảo đảm để sớm chấm dứt tình trạng mùa khô thiếu nước, nhất là vào dịp cuối năm có nhiều lễ, tết, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, chi phí cho việc mua nước sinh hoạt cao nhưng không bảo đảm chất lượng. Điều này cũng khiến cho mọi sinh hoạt hằng ngày phải hạn chế, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con.

Cũng như xã Phú Ngọc, người dân 2 ấp Hòa Trung và Hòa Thuận của xã Ngọc Định cũng rơi vào cảnh sống thiếu nước mùa khô khi nguồn nước giếng cạn kiệt. Chủ tịch UBND xã Ngọc Định Nguyễn Tiến Dũng cho hay, hằng năm, khi mùa khô đến, người dân 2 ấp trên không chỉ thiếu nước sinh hoạt mà còn bị thất thu nông sản do không đủ nước tưới.

Theo ông Dũng, xã Ngọc Định có nhiều diện tích cây trồng có múi và các loại cây ăn trái nên đòi hỏi nhu cầu sử dụng nước tưới rất cao. Tình trạng thiếu nước đã cản trở rất nhiều sự phát triển của xã hội, người dân không mạnh dạn đầu tư sản xuất trên mọi lĩnh vực. Hiện tại, dù dự án hoàn thành vào cuối năm 2022 theo kế hoạch nhưng khi lễ khởi công diễn ra đã tạo động lực rất lớn cho bà con. Đặc biệt, Ngọc Định cũng là nơi được chọn để xây dựng hệ thống xử lý nước tập trung nên nhận được sự hợp tác rất tích cực từ người dân.

Định Quán là một trong những huyện vùng cao của Đồng Nai, những năm qua, với sự nỗ lực của các cấp, cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay H.Định Quán đã có nhiều sự thay đổi rất rõ nét về mọi mặt. Công trình cấp nước tập trung liên xã sẽ là đòn bẩy để Định Quán tiếp tục phấn đấu, hướng đến hoàn thành những tiêu chí cao hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ về những nỗ lực trong nhiều năm qua về vấn đề tìm nước sạch cho người dân, Chủ tịch UBND H.Định Quán Trần Quang Tú cho biết, sau thời gian dài nỗ lực tìm kiếm nhà đầu tư hệ thống nước sạch nhưng không đạt kết quả do địa bàn 3 xã: Phú Ngọc, Ngọc Định, La Ngà có những địa điểm khu dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư đường ống lớn nhưng khó thu hồi vốn sau khi đầu tư nên các doanh nghiệp đều đến rồi đi. Theo ông Tú, dự án cấp nước tập trung 3 xã trên được UBND tỉnh phê duyệt và ghi vốn đầu tư từ đầu năm 2021, sau thời gian hoàn tất các thủ tục theo quy định, dự án đã chính thức khởi công từ tháng 10 với thời gian thi công dự kiến gần 1 năm.

Ông Tú cho rằng, dự án không chỉ là mơ ước của người dân 3 xã: La Ngà, Ngọc Định, Phú Ngọc mà còn là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo huyện từ nhiều năm nay. Khi có nguồn nước sạch sử dụng ổn định, người dân 3 xã cũng như H.Định Quán có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút nhiều doanh nghiệp đến khai thác, đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của huyện. Điều này đã được chứng minh kể từ khi khởi công đến nay, đã có khá nhiều doanh nghiệp tìm đến đăng ký đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Định Quán (xã La Ngà).            


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Quản lý và sử dụng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp là một trong những quy định đáng chú ý nhằm đảm bảo quản lý và sử dụng phí này một cách hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của Nhà nước.

Giá nước sinh hoạt tại TPHCM sẽ điều chỉnh theo đơn giá mới kể từ 1/1/2022

Kể từ 1-1-2022, giá nước sinh hoạt tại TPHCM sẽ được điều chỉnh theo đơn giá mới, tăng từ 300-400 đồng/m3. Ngoài khoản tiền sử dụng nước sinh hoạt tính theo khối lượng nước trên đồng hồ và áp dụng theo giá mới.

Hà Tĩnh: Tìm giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt nông thôn

Theo đánh giá hiện trạng xử lý nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Hà Tĩnh (Sở KH&CN) nước thải sinh hoạt tại Hà Tĩnh trước đây về cơ bản chưa được thu gom và xử lý.

Phát động chương trình “Mizuiku - Em yêu nước sạch”

Sáng ngày 27/12, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Thái Bình, Thành đoàn Thái Bình và Liên đội Trường Tiểu học Vũ Lạc (thành phố Thái Bình) phát động chương trình “Mizuiku- Em yêu nước sạch”. Đây là đơn vị được Tỉnh đoàn - Hội đồng Đội tỉnh chọn làm điểm để triển khai trong toàn tỉnh.

Giữa năm 2022 Thái Nguyên sẽ vận hành nhà máy cấp nước sạch

Nhà máy được đầu tư với các thiết bị nhập khẩu hiện đại, sử dụng công nghệ lọc của Mỹ, sản xuất nước sạch sinh hoạt với tiêu chuẩn cao.

Hà Nội quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 22-12-2021, UBND thành phố Hà Nội đề ra Kế hoạch số 295/KH-UBND về triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn thành phố Hà Nội.