moitruongplus Nhắc đến vùng quê Tiền Hải, chúng ta không thể quên cuộc biểu tình lịch sử của nông dân nơi đây vùng lên chống thực dân Pháp năm 1930 - bản anh hùng ca bất diệt đánh dấu mốc son trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Tiếng trống hiệu triệu quần chúng trong cuộc biểu tình 91 năm trước (14/10/1930) vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay.


Tượng đài về cuộc biểu tình của nông dân Tiền Hải ngày 14/10/1930 tại thị trấn Tiền Hải.

Họ đã đem máu tô thắm ngọn cờ đào

Những ngày tháng 8 đầy ắp những ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, chúng tôi có dịp về lại xã Đông Lâm (Tiền Hải), nơi khởi điểm của tiếng trống mở đầu cuộc biểu tình ngày ấy. Sau khi thắp nén hương thơm thành kính tưởng nhớ các anh hùng đã ngã xuống, chúng tôi được trò chuyện với cụ Tô Văn Lũy, 85 tuổi đời, 50 năm tuổi đảng (em của liệt sĩ Tô Xuân, cháu liệt sĩ Tô Sỡi đã tham gia trong cuộc biểu tình ngày 14/10/1930). Bằng giọng kể say sưa, cụ Lũy đã cho chúng tôi sống lại những ngày oanh liệt của những người nông dân luôn phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để đổi lấy củ khoai, hạt lúa đã làm rạng rỡ giai cấp nông dân Việt Nam.

Ngày đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Thái Bình đã phát động phong trào đấu tranh nhằm chia lửa với công - nông Nghệ - Tĩnh và chọn Tiền Hải làm ngòi nổ, mở đầu cho phong trào đấu tranh ở Thái Bình. Ngày 14/10/1930, khoảng 5 giờ sáng, sau tràng pháo nổ, tiếng trống từ đình Nho Lâm do đồng chí Lương Đồng thực hiện hòa cùng tiếng trống ở đình Thanh Giám do đồng chí Phạm Lịch thúc làm hiệu lệnh, tiếp đó là tiếng tù và, loa tay, tiếng trống ngũ liên vang lên khắp các làng. Đoàn người Nho Lâm, Thanh Giám đi theo đường Đồng Châu vào Trái Diêm (ngã ba Tây Giang ngày nay); đoàn Đông Cao (xã Tây Tiến) đi theo hướng cầu Cát Già tiến về Trái Diêm hội nhập với 2 đoàn của Đông Lâm cùng tiến vào huyện lỵ. Một khí thế hào hùng, sôi động chưa từng có diễn ra trên đất Tiền Hải. Tri huyện Phan Huy Tiếp hoảng sợ bỏ trốn, chỉ còn tên lục sự Bế Văn Khánh và đội trưởng lính cơ Mai Hạ ở lại đối phó. Đoàn biểu tình đã tổ chức diễn thuyết, hô vang các khẩu hiệu, đòi gặp tri huyện để đưa yêu sách. Trước khí thế quyết liệt, cuồn cuộn dâng cao của quần chúng, lục sự Bế Văn Khánh đã cho lính nổ súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình làm 8 người ngã xuống, 13 người bị thương. Sau đó, chúng còn bắt đi 40 người, trong đó có 6 đảng viên. Khoảng 10 giờ, đoàn biểu tình vừa giải tán thì Tổng đốc Vi Văn Định, Chánh mật thám Sô-đa và Thanh tra Ri-gan cùng một tiểu đoàn lính khố xanh kéo về lùng bắt người tham gia biểu tình. Để triệt hạ tận gốc mầm cách mạng, chúng tiến hành khủng bố trắng ba làng Nho Lâm, Đông Cao, Thanh Giám cũng như các làng phụ cận. Trong vòng một tuần lễ, giặc cho lính vào cướp của, đốt 64 nóc nhà, bắt 78 người, trong đó có 33 đảng viên. Đồng chí Phan Ái, người chỉ huy cuộc biểu tình bị treo ngược trên cây thị trước cửa đình Nho Lâm. Bị đánh đập, tra khảo dã man nhưng khí phách của người cộng sản đã làm kẻ thù khiếp sợ: "Tất cả công việc xảy ra là do tao làm, tao chỉ huy. Việc chúng tao làm là chính nghĩa, chúng mày không cần phải hỏi".

Tháng 9/1931, giặc đưa các chiến sĩ cách mạng ra xét xử tại Thái Bình. Khí phách hiên ngang của những người cộng sản đã làm cho chúng không dám xét xử công khai. Chúng đã áp đặt tội trạng và kết án tổng cộng tới 225 năm tù đối với 44 đồng chí và đưa đi thụ án tại các nhà lao Hòa Bình, Sơn La, Hỏa Lò, Hải Phòng.

Mặc dù bị thực dân Pháp dìm trong máu nhưng cuộc đấu tranh của nông dân Tiền Hải năm 1930, như Xứ ủy Bắc Kỳ ngày ấy gửi thư cho các cấp bộ đảng đã đánh giá: "Cuộc biểu tình lưu huyết ở Tiền Hải có thể là bước đầu hết thảy công - nông, quần chúng đấu tranh kịch liệt ở Bắc Kỳ...". Nó chứng tỏ tinh thần yêu nước quật cường và tiềm năng cách mạng to lớn của nhân dân Tiền Hải; khẳng định trong thực tế quyền lãnh đạo và năng lực lãnh đạo của Đảng. Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải đã góp phần đưa Thái Bình trở thành nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ như đánh giá của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 18/11/1930.

Tiếp nối truyền thống cách mạng

Theo năm tháng, cây thị năm xưa mà giặc Pháp treo, tra tấn đồng chí Phan Ái không còn nữa nhưng lớp lớp thế hệ người Tiền Hải vẫn truyền miệng những dòng chữ viếng được bí mật viết trên mộ các liệt sĩ ngày đó:

Trai gái một lòng non với nước

Tiếng thơm muôn thuở, thác như còn!

Tại nhà thờ họ Phan, đôi câu đối "Tổ tiên công đức muôn đời thịnh/Cháu con gìn giữ nếp gia phong" luôn nhắc nhở lớp hậu duệ trách nhiệm với các bậc tiền nhân, với quê hương, đất nước.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những đóng góp của mình, năm 1999, Đông Lâm được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Đông Lâm đoàn kết phấn đấu và được công nhận xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới tháng 11/2014.

Cùng thi đua với Đông Lâm, Đảng bộ và nhân dân Tây Tiến đang nỗ lực vượt khó, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2015. Đến nay, Tây Tiến đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, tổng vốn huy động xây dựng cơ sở hạ tầng 8,718 tỷ đồng, trong đó có hơn 3 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Trong thời gian tới, cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và con em xa quê tiếp tục tham gia tích cực hơn nữa trong đóng góp ngày công, kinh phí xây dựng giao thông thủy lợi nội đồng, đường thôn xóm và các công trình phúc lợi khác.

Không chỉ Đông Lâm, Tây Tiến, hào khí năm 1930 ấy luôn sục sôi trong lòng người Tiền Hải, cả trong kháng chiến và dựng xây quê hương, đất nước hôm nay.

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc, Tiền Hải có hơn 23 vạn thanh niên nối tiếp nhau lên đường làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, 5.246 người con quê hương đã anh dũng hy sinh, 2.808 người trở thành thương binh, bệnh binh, 230 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 407 lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa... Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện Tiền Hải lần thứ XXVII nêu rõ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 9,96%, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,5%. Hết năm 2014, Tiền Hải có 13 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, 16 xã đạt từ 11 - 15 tiêu chí; phấn đấu hết năm 2015 có thêm 10 xã về đích nông thôn mới và trước năm 2020, 100% các xã của huyện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.

Những bứt phá vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội cho thấy nỗ lực vươn lên mãnh liệt của miền quê biển được đặt nền móng bởi ý chí kiên cường chinh phục thiên nhiên của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, được hiệu triệu, thúc giục bởi tiếng trống năm 1930 của các bậc tiền nhân... Họ đã viết nên bản anh hùng ca bất diệt, là điểm tựa vững chắc, tạo thêm nghị lực và quyết tâm cho thế hệ cháu con trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.





Theo Báo Thái Bình

Các tin khác


Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM Dương Thanh Tùng qua đời

Lãnh đạo Đài truyền hình TP.HCM (HTV) vừa xác nhận, ông Dương Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình TP.HCM đã đột ngột qua đời, do nhồi máu cơ tim.

Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc

Ngày 22/2, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc (1/2/1902 - 1/2/2022), nhằm tôn vinh những công lao, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Ngô Ngọc Gia Hân sải bước đi đầu tiên trên cương vị tân Hoa hậu Miss Teen International Việt Nam

Vượt qua 34 đối thủ còn lại, thí sinh Ngô Ngọc Gia Hân đến từ trường THCS-THPT Đinh Thiện Lý- Quận 7- TP.HCM đã xuất sắc đăng quang Miss Teen International Việt Nam 2021.

Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 chỉ tổ chức phần lễ, không tập trung đông người

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức phần lễ vào 2 ngày là mùng 6 và mùng 10 tháng 3 âm lịch, không tổ chức phần hội.

Bắc Giang: Khai hội Cầu Vồng Tân Yên năm 2022

Sáng 16/2, tại đền thờ các Anh hùng Liệt sĩ huyện Tân Yên ,Bắc Giang, UBND huyện tổ chức khai hội Cầu Vồng năm 2022. Ông Đỗ Đức Hà, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang dự.

SEA GAMES 31: Hướng đến mục tiêu một kỳ Đại hội xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường

Bằng những hành động thiết thực này, ban tổ chức SEA Games 31 mong muốn vì một Đông Nam Á tốt đẹp hơn, mỗi người tham gia SEA Games 31 cần nhìn nhận và khẳng định vai trò, khả năng đóng góp của mình trong việc giảm ô nhiễm nhựa.