moitruongplus Hàng ngàn m2 đất canh tác nông nghiệp tại chân cầu Yên Lệnh thuộc địa bàn thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bỗng “mọc” lên 2 bãi than khổng lồ, hàng ngày tàn phá môi trường và nguy cơ tiếp tay cho “than tặc” hoành hành

Theo tìm hiểu, hàng ngàn m2 đất nông nghiệp của người dân xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam được trưởng thôn ký hợp đồng cho Công ty TNHH Thuận An thuê lại để canh tác. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp này lại "hô biến” toàn bộ mặt bằng khu đất này thành bãi tập kết và chế biến than không phép.

Trong suốt nhiều năm hoạt động, 2 bãi than này đã gây ảnh hưởng rất xấu đến môi trường cũng như tàn phá kết cấu hạ tầng giao thông quanh khu vực do quá trình vận chuyển than.

Những ngày gần đây PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã có mặt tại khu vực chân cầu Yên Lệnh thuộc địa bàn xã Mộc Nam nơi 2 bãi than "khủng” không phép ngang nhiên hoạt động để ghi nhận thực tế.


2 bãi than "khủng” không phép "mọc” trên đất nông nghiệp ngay dưới chân cầu Yên Lệnh thuộc địa bàn xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Quan sát thực tế tại khu vực hành lang đê Sông Hồng ngay sát chân cầu Yên Lệnh, là những "núi than” được chất cao vút gần sát thành cầu, nhưng chỉ được che chắn rất sơ sài với vài mảnh bạt phủ lên cho có lệ. Chính việc này là một phần nguyên dẫn đến bụi than bay cuộn vào khu vực dân cư sinh sống và lên mặt cầu Yên Lệnh mỗi khi có cơn gió thổi qua.

Tiếp cận trực tiếp với 2 bãi than này mới thấy sự ô nhiễm nghiêm trọng thế nào, khi các phương tiện máy mọc hoạt động sàng tuyển than đã tạo nên những âm thanh chát chúa, kèm theo đó là bụi than cuồn cuộn bay vào không gian phủ một lớp đen kịt cả một khu vực, hệ thống nước thải đen ngòm không có lối thoát cứ thế chảy ra xung quanh và ngấm xuống lòng đất.

Đặc biệt, mỗi khi những chiếc xe tải có tải trọng lớn vận chuyển than ra vào bãi than này thì bụi bẩn bay mù mịt, toàn bộ hệ thống đường giao thông và hành lang bảo vệ tuyến đê Sông Hồng bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng. Điều đáng nói, thực trạng trên diễn ra công khai giữa "thanh thiên bạch nhật” và kéo dài trong nhiều năm qua nhưng không được các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền sở tại vào cuộc ngăn chặn, xử lý.

Để làm rõ tính pháp lý về hoạt động của 2 bãi than trên, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong sự việc này. PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ làm việc với đại diện UBND xã Mộc Nam.

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Trinh – Chủ tịch UBND xã Mộc Nam thông tin về nguồn gốc khu đất mà Công ty TNHH Thuận An đang sử dụng làm bãi than như sau: Đây là khu đất nông nghiệp, đất tiêu chuẩn của nhân dân. Do canh tác không hiệu quả nên các hộ dân đã họp lại và giao cho ông trưởng thôn đứng ra ký kết hợp đồng cho Công ty TNHH Thuận An thuê lại để canh tác. Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng thuê đất doanh nghiệp này cũng không canh tác được gì nên họ lập bãi tập kết than?!

Trả lời câu hỏi của PV về việc ông trưởng thôn đứng ra ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê khu đất trên, và đơn vị này sử dụng đất không đúng mục đích được thuê. Vậy có đúng với quy định pháp luật về đất đai?

Ông Trinh trả lời: về hồ sơ pháp lý thuê đất thì nếu sai họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, xét về mặt quả lý nhà nước thì địa phương như thế là không được.

Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác tại 2 bãi than trên được chính quyền quản lý, giám sát thế nào? Người đứng đầu chính quyền xã Mộc Nam nói: Năm nào địa phương cũng yêu cầu phía công ty cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, thực tế doanh nghiệp đã mua bạt che và máy phun nước phun cho đỡ bụi, thế nhưng nó cũng không triệt để được. Giờ nếu làm căng thì dân lại kéo lên uỷ ban gây khó khăn cho địa phương ?!


Mặc dù hoạt động không phép rầm rộ trong nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường, xâm hại đất đai, hành lang an toàn đê Sông Hồng và ảnh hưởng đến kết cấu cây cầu Yên Lệnh nhưng bãi than này không hề bị lực lượng chức năng địa phương xử lý, gây bức xúc dư luận xã hội.

Như đã thông tin ở trên, tại các "núi than” này hầu như không được phủ bạt và càng không có máy phun nước như lời vị Chủ tịch xã Mộc Nam Nguyễn Mạnh Trinh thông tin, và đây có phải là hành vi bao biện cho những sai phạm nghiêm trọng của Công ty TNHH Thuận An?

Và sự việc sau đây càng chứng tỏ chính quyền xã Mộc Nam đã buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, môi trường trên địa bàn. Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Mạnh Trinh, kể từ khi ông sang làm chủ tịch (đến nay được hơn 1 năm – PV) thì xã chưa có xử lý vi phạm gì trước việc Công ty TNHH Thuận An sử dụng đất sai mục đích, gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động của 2 bãi than trên.

Trả lời về dấu hiệu bãi tập kết than vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, gây ảnh hưởng đến kết cấu cây cầu Yên Lệnh. Ông Trinh cho rằng, việc này cần phải có cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra mới xác định được.

Ngoài các "vấn đề” đã và đang tồn tại tại bãi than của Công ty TNHH Thuận An như đã nêu trên, hiện nay dư luận xã hội còn băn khoăn đặt nghi vấn bãi than không phép này liệu có biến thành nơi tập kết và tiếp tay cho đường dây buôn bán "than tặc” như ở một số bãi than tại tỉnh Hải Dương mà Bộ Công an vừa triệt phá trong thời gian qua?

Để trả lời minh bạch trước công luận về sự việc trên, thiết nghĩ lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam cần chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan, đặc biệt là Công an tỉnh Hà Nam cần vào cuộc thanh kiểm tra hoạt động và xác minh,  điều tra việc buôn bán than tại bãi than "vô thiên vô pháp” này.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 11 tỉnh.

Đắk Lắk: Đất tặc vẫn “lộng hành” tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, một số chủ lò gạch lợi dụng vào ban đêm ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu vực thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk đưa đất về các lò gạch làm gạch, bất chấp quy định pháp luật.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về địa chất, khoáng sản

Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW định hướng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vĩnh Phúc: Xuất hiện “Cát tặc” tại Sông Lô

Trong các ngày 22 - 23/2/2022 tại khu vực sông Lô đoạn giáp danh giữa xã An Đạo ( Phù Ninh, Phú Thọ)và xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện một số tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Lâm Đồng: Ngang nhiên “xẻ thịt” đèo Bảo Lộc để khai thác đá

Từ nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc, giữa đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tồn tại tình trạng khai thác đá. Tại đây, một số người đã dùng xe múc, xe ủi… để mở đường, làm nhà, đấu nối điện để thực hiện việc khai thác đá.

Bắc Giang tăng cường kiểm tra thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra, xử lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản.