moitruongplus Đối với việc cấp phép, thăm do và phê duyệt trữ lượng khoảng sản, từ năm 2018 đến 31/7/2021, UBND tỉnh Thanh Hoá đã cấp phép đối với 77 mỏ khoáng sản.


3 năm cấp phép thăm dò đối với 77 mỏ khoáng sản

Thực hiện Kế hoạch số 888/KH-HĐND, ngày 9/8/2021 của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát về "Việc thực hiện quản lý nhà nưóc về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay”, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại UBND tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường; các huyện: Cẩm Thủy, Triệu Sơn, Yên Định, Hà Trung, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn.

Đối với việc cấp phép, thăm do và phê duyệt trữ lượng khoảng sản, từ năm 2018 đến 31/7/2021, UBND tỉnh đã cấp phép thăm dò khoáng sản đối với 77 mỏ khoáng sản. Trong đó có 13 mỏ cát, 36 mỏ đá, 19 mỏ đất san lấp, 09 mỏ đất sét; UBND tỉnh đã phê duyệt trữ lượng của 89 mỏ, bao gồm: 17 mỏ cát, 42 mỏ đá, 30 mỏ đất.

Đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD, cũng từ năm 2018 đến 31/7/2021, UBND tỉnh đã cấp 158 giấy phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường; trong đó cấp mới 72 mỏ, gia hạn 14 mỏ, cấp lại 40 mỏ, chuyển nhượng 32 mỏ. Việc cấp phép khai thác khoáng sản được UBND tỉnh, các ngành liên quan thực hiện đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản. Đến ngày 31/7/2021, trên địa bàn tỉnh có 314 giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường còn hạn, đang hoạt động; trong đó có 221 mỏ đá, 34 mỏ cát, 35 mỏ đất san lấp, đất san lấp có thu hồi phụ gia xi măng, 24 mỏ đất sét sản xuất gạch. Cùng với đó, có 98 mỏ hết hạn phải đóng cửa, trong đó có 67 mỏ đã cải tạo, phục hồi môi trường; 8 mỏ đang thẩm định hồ sơ đóng cửa mỏ; 23 mỏ đang đôn đốc các đơn vị nộp hồ sơ đóng cửa.

Đối với việc khai thác, chế biến khoáng sản làm VLXD, trên địa bàn tỉnh hiện có 310 đơn vị khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ tiên tiến trong khai thác khoáng sản làm VLXD, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và tiết kiệm tài nguyên khoáng sản.

Tăng cường giám sát việc cấp giấy phép

Do nhu cầu cát dùng cho xây dựng tăng nhanh, để bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng, hạn chế việc khai thác cát trái phép, năm 2018, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì thực hiện đề tài: "Nghiên cứu sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên cho xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”; đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá đạt kết quả xuất sắc và được triển khai tại nhiều địa phương. Đên nay, trên địa bàn tỉnh đã có 9 đơn vị có mỏ đá đã đầu tư lắp đặt dây chuyền sản xuất cát nghiền, với tổng công suất khoảng 0,83 triệu m3/năm. Sản phẩm cát nghiền nhân tạo này được sử dụng để sản xuất bê tông cấu kiện, bê tông thương phẩm cho chất lượng cao. Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi các đơn vị đầu tư lăp đặt máy nghiền ra cát xây trát, tiên đên thay thê sử dụng cát tự nhiên trong công trình xây dựng.

Qua giám sát cũng cho thấy nhiều tồn tại công tác quản lý nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, việc lập, phê duyệt các quy hoạch còn chậm. Từ tháng 8 năm 2020 trở về trước, nhiều mỏ đất san lấp đã được cấp phép khai thác nhưng chưa lập quy hoạch thăm dò, khai thác; và đến cuối năm 2020 và năm 2021, UBND tỉnh mới trình HĐND tỉnh bổ sung 131 mỏ đất san lấp vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đất làm VLXD thông thường. Đến nay còn 27 mỏ đá, mỏ đất chưa được bổ sung vào quy hoạch, trong đó có 15 mỏ đã được cấp phép khai thác. Một số cơ sở sản xuất gạch tuynel được cấp phép sản xuất gạch nhưng chưa được cấp mỏ đất sét. Việc phê duyệt khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh còn chậm. Một số mỏ cấp phép thăm dò, khai thác khi chưa có quy hoạch, chưa phù hợp với quy định về hoạt động khoáng sản.

Về khai thác, chế biến khoáng sản: Nhiều doanh nghiệp chưa lắp đặt trạm cân, camera để kiểm soát sản lượng khai thác khoáng sản thực tế; chưa xây dựng đầy đủ các hạng mục công trình phụ trợ phục vụ khai thác mỏ, công trình bảo vệ môi trường; khai thác ngoài mốc giới; chưa lập, phê duyệt thiết kế mỏ; lập báo cáo giám sát chất lượng môi trường chưa đầy đủ; khai thác không đúng quy trình, khai thác vượt quá công suất; khai thác không lập bản đồ hiện trạng mỏ, bản đồ mặt cắt; khai thác không đúng thiết kế được phê duyệt; để mất mốc giới khai thác; khai thác cát, đất san lấp quá độ sâu cho phép. Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng quy mô nhỏ, lẻ, hoạt động manh mún, dây chuyền công nghệ lạc hậu dẫn đến sản lượng và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không ổn định, lãng phí tài nguyên, chưa đảm bảo an toàn, nhất là an toàn về vật liệu nổ, gây ô nhiêm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp. Việc đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong hoạt động khoáng sản chưa được một số đơn vị chú trọng. Đặc biệt là tình trạng nợ thuế, phí trong hoạt động khoáng sản còn cao. Đến 31/8/2021, trên địa bàn tỉnh còn 202 doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế, phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền chậm nộp và thu khác với tổng số nợ là 132,664 tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp có số nợ lớn, kéo dài. Đi liền với đó, chính quyền một số huyện, xã chưa quyết liệt trong việc xử lý các vi phạm trong hoạt động khoáng sản nên còn xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, ô nhiễm môi trường kéo dài trên địa bàn. Hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn một số huyện chưa được xử lý triệt để.

Từ những tồn tại trên, đoàn giám sát đề nghị HĐND tỉnh giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh định kỳ giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về cấp phép, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXD trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giao UBND tỉnh rà soát lại 27 mỏ đất, mỏ đá, trong đó có 15 mỏ đã được cấp phép khai thác nhưng chưa được bổ sung vào quy hoạch vì nằm dọc theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy; báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để trình HĐND tỉnh bổ sung các mỏ đủ điều kiện vào quy hoạch khoáng sản làm VLXD thông thường. Đối với UBND tỉnh, tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khoáng sản; nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp và người dân đối với các quy định của pháp luật khoáng sản. Rà soát, bổ sung, cập nhật quy hoạch các mỏ khoáng sản nói chung và khoáng sản làm VLXD nói riêng theo quy định của pháp luật. Chỉ cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản đối với các mỏ đã có trong quy hoạch; chỉ đạo thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật Khoáng sản để tăng thu cho ngân sách nhà nước; chỉ cấp phép, kêu gọi đầu tư các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, thành phẩm sơ chế. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường.


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 11 tỉnh.

Đắk Lắk: Đất tặc vẫn “lộng hành” tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, một số chủ lò gạch lợi dụng vào ban đêm ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu vực thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk đưa đất về các lò gạch làm gạch, bất chấp quy định pháp luật.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về địa chất, khoáng sản

Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW định hướng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vĩnh Phúc: Xuất hiện “Cát tặc” tại Sông Lô

Trong các ngày 22 - 23/2/2022 tại khu vực sông Lô đoạn giáp danh giữa xã An Đạo ( Phù Ninh, Phú Thọ)và xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện một số tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Lâm Đồng: Ngang nhiên “xẻ thịt” đèo Bảo Lộc để khai thác đá

Từ nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc, giữa đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tồn tại tình trạng khai thác đá. Tại đây, một số người đã dùng xe múc, xe ủi… để mở đường, làm nhà, đấu nối điện để thực hiện việc khai thác đá.

Bắc Giang tăng cường kiểm tra thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra, xử lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản.