moitruongplus Việc thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm việc làm cho người dân, cung cấp nguyên vật liệu cho phát triển công nghiệp... góp phần xây dựng KT-XH của địa phương.


Khai thác khoáng sản ở Nông Cống, Thanh Hóa. Ảnh: Internet

Nông Cống là địa phương có trữ lượng tài nguyên khoáng sản tương đối lớn, trong đó, khoáng sản khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, quặng secpentine... và có nhiều đơn vị tham gia khai thác. Hiện nay toàn huyện có 21 điểm mỏ khoáng sản được cơ quan quản lý Nhà nước cấp quyền khai thác; trong đó, có 8 doanh nghiệp khai thác đá xây dựng trên địa bàn các xã: Tân Phúc, Hoàng Sơn, Hoàng Giang; 2 doanh nghiệp khai thác, chế biến quặng secpentine tại 2 xã Tế Thắng và Tế Lợi; 1 doanh nghiệp khai thác đá phụ gia xi măng tại xã Yên Mỹ; 5 doanh nghiệp đang khai thác đất san lấp tại 2 xã Tượng Sơn và Trường Minh...

Hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện cơ bản phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Để quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, huyện Nông Cống đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, chủ tịch UBND các xã, thị trấn, để thống nhất biện pháp quản lý chặt chẽ ngay từ cơ sở. Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra, tổ kiểm tra liên ngành, có kế hoạch kiểm tra thường xuyên, đột xuất, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Việc thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản trên địa bàn huyện Nông Cống đã góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm việc làm cho người dân, cung cấp nguyên vật liệu cho phát triển công nghiệp, xây dựng, san lấp các công trình... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Nông Cống đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác trái phép, khai thác không đúng quy định. Nhờ vậy, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn cơ bản đúng quy định pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Nông Cống vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần khắc phục, như: một số doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm khai thác không đúng trình tự, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản không đúng theo quy định.

Phần lớn các doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn chủ yếu là khai thác thô, chưa gắn với chế biến và sản xuất các sản phẩm kết hợp, dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, gây lãng phí tài nguyên. Bên cạnh đó, sự tham gia của người dân đối với công tác bảo vệ khoáng sản, giám sát việc thi hành pháp luật về khoáng sản vẫn còn hạn chế. Chính quyền một số địa phương, nhất là cấp cơ sở còn thiếu trách nhiệm, công tác quản lý địa bàn thiếu sự phối hợp ở vùng giáp ranh; không ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các hành vi vi phạm. Điều này không chỉ làm mất tài nguyên khoáng sản, thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, an ninh trật tự...

Theo thống kê, năm 2018 đến hết tháng 9-2021, các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, của huyện đã phát hiện 15 doanh nghiệp khai thác khoáng sản có vi phạm trong hoạt động khai thác. Điển hình, như: xử phạt hành chính Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hà Liên đối với hành vi khai thác ngoài mốc giới, khai thác vượt quá công suất, khai thác nhưng không lập bản đồ hiện trạng mỏ, bản đồ mặt cắt, với số tiền 895 triệu đồng. Xử phạt vi phạm hành chính HTX khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng Hoàng Sơn đối với hành vi khai thác ngoài mốc giới, khai thác vượt quá công suất, khai thác nhưng không lập bản đồ hiện trạng mỏ, bản đồ mặt cắt, với tổng số tiền 321,5 triệu đồng... Qua các đợt kiểm tra, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn đã khắc phục những vi phạm, chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản và bảo vệ môi trường; việc chấp hành sử dụng đúng các phương tiện vận chuyển đúng tải trọng dần đi vào nền nếp; các doanh nghiệp chấp hành việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, huyện Nông Cống tiếp tục tăng cường quản lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh tài nguyên khoáng sản trên địa bàn bằng các giải pháp mạnh và đồng bộ. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm gây thất thoát tài nguyên khoáng sản và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên địa bàn nhằm đưa hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh tài nguyên khoáng sản đi vào nền nếp, sử dụng hợp lý, có hiệu quả.


Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 11 tỉnh.

Đắk Lắk: Đất tặc vẫn “lộng hành” tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, một số chủ lò gạch lợi dụng vào ban đêm ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu vực thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk đưa đất về các lò gạch làm gạch, bất chấp quy định pháp luật.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về địa chất, khoáng sản

Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW định hướng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vĩnh Phúc: Xuất hiện “Cát tặc” tại Sông Lô

Trong các ngày 22 - 23/2/2022 tại khu vực sông Lô đoạn giáp danh giữa xã An Đạo ( Phù Ninh, Phú Thọ)và xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện một số tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Lâm Đồng: Ngang nhiên “xẻ thịt” đèo Bảo Lộc để khai thác đá

Từ nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc, giữa đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tồn tại tình trạng khai thác đá. Tại đây, một số người đã dùng xe múc, xe ủi… để mở đường, làm nhà, đấu nối điện để thực hiện việc khai thác đá.

Bắc Giang tăng cường kiểm tra thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra, xử lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản.