moitruongplus Bước vào mùa mưa bão 2021, để chủ động trong sản xuất, các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thường xuyên rà soát, tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai, đặc biệt tại khu vực các bãi thải mỏ.

Theo thống kê, ở riêng vùng Cẩm Phả, trung bình khối lượng đất đá thải bóc xúc từ hoạt động khai thác của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam TKV khoảng 200 triệu m3/năm, chiếm 70% lượng đổ thải của ngành than, chủ yếu tập trung ở các bãi thải ngoài khai trường, hình thành nên các "quả núi nhân tạo" cao đến 300m.

Để chủ động phòng tránh các thiệt hại do mưa bão, các đơn vị khai thác than trên địa bàn thường xuyên rà soát, tăng cường các biện pháp phòng chống thiên tai, đặc biệt tại khu vực các bãi thải mỏ. Như bãi thải Bàng Nâu được bổ sung hệ thống bơm thoát nước nhanh, đảm bảo khi mưa lớn không ảnh hưởng đến tuyến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.

Ở bãi thải Đông Cao Sơn, hệ thống đê chắn chân bãi thải và thoát nước dọc tầng được gia cố mở rộng hơn so với tiêu chuẩn, phân lũ từ các tầng thải về hệ thống mương, đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư phường Mông Dương và các đơn vị lân cận. Theo lộ trình, phần lớn khu vực bãi thải Đông Cao Sơn sẽ kết thúc đổ thải trong năm 2021, đến năm 2025 dừng đổ thải tại Bàng Nâu và tiến hành hoàn nguyên môi trường.

Trưởng phòng Kỹ thuật khai thác Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin cho biết, mỗi năm đơn vị chi khoảng 20-25 tỷ đồng cho công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt việc đổ thải tiến hành đúng giới hạn theo quy hoạch.

"Đối với bãi thải Đông Cao Sơn đã được kiểm chứng trong nhiều đợt mưa từ đầu mùa tới hiện tại, như trận mưa lớn vừa qua khoảng 260mm nhưng tất cả hệ thống thoát nước đều an toàn, không có sự cố xảy ra. Sắp tới vẫn có thể xảy ra mưa lớn, chúng tôi đã chủ động trong công tác phòng chống, bố trí thiết bị thường trực, củng cố các tuyến đê bao làm sao hạn chế việc nước phá ngang thân đê và ảnh hưởng đến các công trình thoát nước khu dân cư cũng như các đơn vị giáp ranh”, ông Ninh nói.

Chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, mưa bão, TKV tập trung "3 trước, 4 tại chỗ" với các phương án cụ thể. Trong 4 tháng đầu năm, các đơn vị đã thực hiện nạo vét 17 tuyến suối thoát nước, tránh nguy cơ vùi lấp, ách tắc dòng chảy do ảnh hưởng của khai thác mỏ trên địa bàn Quảng Ninh.

Tại Công ty Than Quang Hanh - TKV, đơn vị đang khai thác khu mỏ Ngã Hai với điều kiện địa chất tương đối phức tạp, để ứng phó với nguy cơ nước thẩm thấu vào khai trường, hầm lò, đơn vị tập trung hoàn thiện các công trình thoát nước trước mùa mưa. Với năng lực của hệ thống bơm thoát nước, bơm dự phòng, phai chắn điều tiết nước tại các đường lò vận tải,... lượng nước hiện tại đều không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị cũng kiện toàn ban chỉ đạo PCTT-TKCN, tập huấn, diễn tập tình huống trang bị kỹ năng phòng chống mưa bão cho cán bộ công nhân viên...

Chủ động phòng chống thiên tai để ổn định sản xuất. Ảnh minh họa

Đại diện Ban Môi trường TKV khẳng định, bước vào mùa mưa bão năm nay, kế hoạch phương án phòng chống thiên tai của các đơn vị đã cơ bản hoàn thành, các công trình hoạt động ổn định, phục vụ ứng phó tốt với mưa bão.

"Sau đợt mưa lũ năm 2015, Quảng Ninh có yêu cầu TKV lập đề án di dân cấp bách ra khỏi vùng sạt lở nguy hiểm của ngành than trên địa bàn. Chúng tôi đã hoàn thành đề án vào cuối năm 2018, đầu năm 2019 với tổng số 388 hộ dân trên các khu vực từ Đông Triều, Uông Bí đến Hạ Long, Cẩm Phả. Với công tác PCTT, chúng tôi tập trung kiểm tra, đốc thúc thực hiện ở các trọng điểm trên địa bàn Quảng Ninh, đồng thời giao cho các đơn vị tự chủ và chịu trách nhiệm”, vị đại diện này cho hay.

Trong tháng 9 này, TKV cũng sẽ hoàn thành thực hiện lập bản đồ 3D các khu vực trọng yếu để theo dõi, giám sát diễn biến các khu vực bãi thải, địa hình nhằm kịp thời phát hiện những nguy cơ sạt lở, ngập úng. Công nghệ mới này sẽ thay thế cho việc kiểm tra, giám sát trực tiếp tại hiện trường, giúp việc điều hành, xử lý và khắc phục nhanh chóng hơn.

Hết năm 2021, dự kiến TKV sẽ triển khai trồng khoảng 25 ha cây xanh tại các bãi thải, khai trường đã kết thúc sản xuất, đóng góp vào đảm bảo an toàn trước thiên tai, mưa bão, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống cho người lao động./.

Theo Môi trường và Đô thị

Các tin khác


Công bố Quyết định kiểm toán Chuyên đề công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Theo Quyết định số 214, ngày 25/2/2022 của KTNN, cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nhà nước về TNKS lần này sẽ được tiến hành tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và 11 tỉnh.

Đắk Lắk: Đất tặc vẫn “lộng hành” tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk

Theo phản ánh của người dân, thời gian gần đây, một số chủ lò gạch lợi dụng vào ban đêm ngang nhiên khai thác đất trái phép tại khu vực thôn 5, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk đưa đất về các lò gạch làm gạch, bất chấp quy định pháp luật.

Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về địa chất, khoáng sản

Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW định hướng về chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vĩnh Phúc: Xuất hiện “Cát tặc” tại Sông Lô

Trong các ngày 22 - 23/2/2022 tại khu vực sông Lô đoạn giáp danh giữa xã An Đạo ( Phù Ninh, Phú Thọ)và xã Đôn Nhân (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) xuất hiện một số tàu hút, tàu cuốc khai thác cát trái phép vào ban đêm.

Lâm Đồng: Ngang nhiên “xẻ thịt” đèo Bảo Lộc để khai thác đá

Từ nguồn tin riêng của Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử về việc, giữa đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) tồn tại tình trạng khai thác đá. Tại đây, một số người đã dùng xe múc, xe ủi… để mở đường, làm nhà, đấu nối điện để thực hiện việc khai thác đá.

Bắc Giang tăng cường kiểm tra thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn yêu cầu các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân tăng cường kiểm tra, xử lý và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản.